Hình minh họa
Vụ việc DN có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền chung của Tòa án
Theo hướng dẫn tại Điều 2 Dự thảo, vụ việc DN có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điều 469 của BLTTDS được xác định thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là vụ án có bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 469 của BLTTDS. Nhóm này bao gồm 2 loại vụ án: Một là, vụ án giữa nguyên đơn là công dân Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài và bị đơn là công dân Việt Nam ở trong nước; Hai là vụ án giữa nguyên đơn là công dân Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài với bị đơn là người nước ngoài đang cư trú, làm việc tại Việt Nam và được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc được cấp giấy miễn thị thực có thời hạn không quá 5 năm, kể cả trường hợp được xem xét cấp lại thẻ hoặc giấy này theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhóm thứ hai là vụ án mà bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại điểm c khoản 1 Điều 469 của BLTTDS. Nhóm này bao gồm 2 loại vụ án: Một là vụ án giữa nguyên đơn là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài và bị đơn là công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức Việt Nam có tài sản tại Việt Nam; Hai là vụ án giữa nguyên đơn là công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài với bị đơn là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài có tài sản tại Việt Nam.
Cuối cùng là nhóm vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam quy định tại điểm d khoản 1 Điều 469 của BLTTDS. Nhóm này bao gồm 2 loại: Vụ việc ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài mà nguyên đơn hoặc bị đơn ở nước ngoài hoặc các bên đương sự đều ở nước ngoài; vụ việc ly hôn giữa các bên đương sự là người nước ngoài và người nước ngoài đó thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này (người nước ngoài đang cư trú, làm việc tại Việt Nam và được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc được cấp giấy miễn thị thực có thời hạn không quá 5 năm…).
Vụ việc nào thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án?
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điều 470 của BLTTDS được xác định gồm 4 nhóm. Thứ nhất là vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại điểm a khoản 1 Điều 470 của BLTTDS là vụ án có một bên đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, trừ trường họp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hợp đồng, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài có quy định về việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài.
Nhóm thứ hai là vụ án ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 470 của BLTTDS là vụ án giữa công dân Việt Nam ở trong nước và đương sự là người nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này (người nước ngoài đang cư trú, làm việc tại Việt Nam và được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc được cấp giấy miễn thị thực có thời hạn không quá 5 năm…).
Nhóm tiếp theo là vụ án dân sự khác quy định tại điểm c khoản 1 Điều 470 của BLTTDS là vụ án đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này (Là một trong các vụ án thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 469 của Bộ luật này; có văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định các bên đương sự có quyền lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết vụ án đó; Thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam được các bên xác lập bằng văn bản và xác định Tòa án Việt Nam là Tòa án duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp vụ án đó).
Cuối cùng, nhóm việc dân sự quy định tại điểm a khoản 2 Điều 470 của BLTTDS là yêu cầu không có tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự quy định tại một trong 3 nhóm nói trên.
Thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam không có hiệu lực trong trường hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam thì thỏa thuận đó vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.
Ví dụ, thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam vô hiệu khi không đáp ứng được một trong các điều kiện quy định tại Điều 117 của BLDS hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều từ Điều 123 đến Điều 128 của Bộ luật này.
Hoặc, thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được trong trường họp đương sự là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó không được thừa kế hoặc đương sự là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.