Xóm cà phê bên "đường ray tử thần": Nguy hiểm rình rập, cần quyết liệt dẹp bỏ

16/09/2022 16:09

Kinhte&Xahoi Các chuyên gia giao thông, văn hóa cho rằng: Việc xóa bỏ phố cà phê đường tàu về pháp luật là điều cần thiết và không nên nuối tiếc nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu và tính mạng của người dân.

Nguy hiểm rình rập

 Phố cà phê đường tàu chủ yếu nằm dọc theo ba phường: Điện Biên (quận Ba Đình), Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) thu hút rất đông du khách đến vui chơi, quay phim, chụp ảnh. Theo báo cáo, riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có trên 30 cửa hàng kinh doanh cà phê, giải khát.

Gọi là cà phê đường tàu vì các quán cà phê chỉ cách đường tàu 2-3m, khách ngồi dọc hai bên đường tàu, thậm chí có lúc ngồi giữa đường ray để uống cà phê. Khi có đoàn tàu chạy qua, nhiều du khách vẫn "vô tư" ngồi sát đường tàu... Đây là hành động nguy hiểm và dễ dàng bắt gặp tại các quán cà phê ở đây.

Trước đó, vào ngày 6/10/2019, tàu vừa rời ga Hà Nội đi Hải Phòng, đến đoạn phố Phùng Hưng đã phải phanh dừng khẩn cấp do có nữ du khách người châu Á đứng ở đường ray và quay lưng vào đầu máy để chụp ảnh. Trong năm 2019, nhiều lái tàu đã phải dừng khẩn cấp trong thời gian ngắn để du khách có thể kiếm chỗ đứng an toàn.

UBND thành phố Hà Nội đã ra quân xử lý, cưỡng chế, đóng cửa các quán cà phê vi phạm hành lang an toàn đường sắt nhưng trong những ngày gần đây, hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu lại tái diễn khiến người dân Thủ đô rất lo lắng.

Quang cảnh lộn xộn, bát nháo tại phố cà phê đường tàu trước khi lực lượng chức năng dẹp bỏ

Trước thực trạng trên, ngày 15/9, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã quyết định tạm dừng hoạt động của phố cà phê đường tàu. Nguyên nhân chính do tình trạng lộn xộn, nguy hiểm tại đây, nhất là thời điểm có tàu chạy qua. Thậm chí, có lần tàu phải dừng lại vì hai du khách nước ngoài ngồi uống rượu giữa đường ray...

Quận Hoàn Kiếm đã tạm đóng cửa các quán cà phê đường tàu và thu hồi giấy phép với các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang đường sắt. Theo đó, chính quyền quận giao lực lượng chức năng rào chắn hành lang an toàn đường sắt tại khu vực các quán cà phê và thu hồi toàn bộ giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp cho các hộ ở phường Phùng Hưng, Cửa Nam.

Lãnh đạo quận Ba Đình cũng cho biết, các chủ quán ở phường Điện Biên, nơi có đường tàu chạy qua cũng được yêu cầu viết cam kết không mở quán ở gần đường tàu.

Cách đây ít ngày, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu khu vực phía Bắc ga Hà Nội tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh an toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kể: “Trước đây đã có trường hợp hai vị khách nước ngoài ngồi tại đường ray uống rượu khi, tàu đến chúng tôi phải cho dừng tàu và gọi cơ quan chức năng phối hợp mới giải tán hai vị khách này được”.

"Vấn nạn" và khiến bộ mặt của Thủ đô càng thêm nhếch nhác

Hà Nội sẽ mạnh tay dẹp bỏ "phố cà phê đường tàu" do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt, đa số ý kiến người dân và các chuyên gia giao thông, văn hóa đều đồng tình nên dẹp bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng phố cà phê này nên giữ lại bởi đây là địa điểm thu hút du khách, là "địa điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô", thậm chí có người còn coi đây là "một nét văn hóa, điểm nhấn của Hà Nội!".

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, chính quyền cần dẹp bỏ, đóng cửa các hàng quán, cà phê hoạt động vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

"Trước đây cũng có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn là đảm bảo an toàn lên hàng đầu. Không thể vì mục tiêu kinh tế mà bỏ qua sự an toàn cho du khách. Theo các quy định về đường sắt, khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3m.

Với các tuyến đường sắt đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn này đều phạm luật. Khách du lịch có thể thấy lạ vì tò mò, nhưng việc mở quán cà phê hay buôn bán trên đường ray thực sự rất nguy hiểm, khó có thể xem là một nét văn hóa", ông Nghiêm nói.

Lực lượng chức năng lập rào chắn và tuyên truyền vận động người dân và du khách chấp hành đúng quy định

Nhiều người dân cho rằng: "Văn hóa" và "độc đáo" như thế nào thì chưa bàn. Tình trạng lộn xộn, các quán cà phê mọc lên như nấm, bàn ghế kinh doanh kê tràn ra cả giữa đường tàu để phục vụ, thỏa mãn một bộ phận giới trẻ và những du khách quốc tế có thú vui sống ảo, tìm cảm giác mạnh mỗi khi đoàn tàu chạy qua sát người với cự ly chỉ vài chục xăng ti mét, tiềm ẩn nguy hiểm thì cần quyết liệt dẹp bỏ.

Anh Nguyễn Đức Thái, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình cho biết: "Những người dân ở phường đều mong muốn dẹp xóm cà phê này. Vừa nhếch nhác, vừa nguy hiểm. Nhìn thấy cảnh bát nháo và không an toàn chút nào! Nếu không may xảy ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?".

Một số người viện dẫn lý do rằng, trong nhiều năm "cà phê đường tàu" tồn tại, chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, có ai dám chắc rằng với tình trạng kinh doanh tự phát và lượng du khách đổ về ngày càng đông, hàng quán kinh doanh lộn xộn, lấn chiếm tràn lan và có chiều hướng tăng mạnh hơn nếu không có sự kiểm soát, sẽ không có vụ tai nạn nào xảy ra trong tương lai?

Thói quen kinh doanh tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, mưu sinh là "vấn nạn" và khiến bộ mặt của Thủ đô càng thêm nhếch nhác chứ không phải là một Thủ đô hiện đại, văn minh như mục tiêu mà chính quyền và người dân Hà Nội đang hướng tới.

Cũng về vấn đề này, một số chuyên gia lĩnh vực văn hóa cho rằng: Nói phố cà phê là một nét văn hóa của Hà Nội là một sự ngụy biện, một quan điểm sai lầm. Đây là một hoạt động tự phát, xuất hiện cách đây không lâu, không có bề dày văn hóa. Hà Nội đâu thiếu những địa điểm du lịch mang đậm giá trị văn hóa truyền thống thu hút du khách quốc tế. Hy vọng đợt ra quân này, Hà Nội sẽ làm triệt để, với mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn minh, ý thức "thượng tôn pháp luật" phải được đặt lên hàng đầu.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người chồng chém lìa tay vợ vì ghen tuông có thể đối diện tội danh giết người

Qua theo dõi vụ việc đối tượng chém vợ đứt lìa 2 cánh tay ở Đồng Nai, chuyên gia pháp lý nhận định, hành vi của đối tượng gây án rất côn đồ, manh động, gây thương tích nghiêm trọng và có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Vì vậy, Cơ quan điều tra sẽ khởi tố tội danh cố ý gây thương tích, nếu có căn cứ sẽ chuyển sang tội danh giết người.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xom-ca-phe-ben-duong-ray-tu-than-nguy-hiem-rinh-rap-can-quyet-liet-dep-bo-205867.html