Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt: Tiện dụng, song cần bảo đảm an toàn

01/04/2024 10:09

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt: Quét mã QR, chuyển khoản,... ngày càng được sử dụng phổ biến trong các giao dịch, đời sống hằng ngày. Xu hướng này được đánh giá mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, song cũng đặt ra vấn đề cần phải bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán và ngân hàng.

Người dân thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Ảnh: Minh Tuệ

Cơ hội cho người tiêu dùng và doanh nghiệp

Có thể nói, làn sóng không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chị Vũ Thị Ánh Vân (phố Nguyễn Thị Định, quận Thanh Xuân) cho biết, lâu nay, chị không mang theo tiền mặt, bởi khi đi chợ, ngay cả chỉ mua rau cũng có thể quét QR code từ người bán hàng để thanh toán. Theo chị, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho người dân, tránh rủi ro khi phải mang theo tiền mặt hằng ngày.

Anh Vũ Tiến Đạt (phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa) cũng cho hay, hiện nay, thanh toán qua QR code trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Điển hình là tại cơ quan anh, có 90% người sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán cho tất cả các giao dịch hằng ngày.

Mới đây, mạng xã hội rộ lên câu chuyện thiệp mời cưới của nhiều đôi bạn trẻ in kèm cả mã QR code tài khoản ngân hàng với lời đề “nhận quà cưới”. Xung quanh xu hướng này, có nhiều ý kiến trái chiều, khi có người cho rằng, lớp trẻ thiếu sự tế nhị. Tuy nhiên, đánh giá dưới góc độ tích cực, có thể thấy sự phát triển của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi vào cả những hoạt động được coi là “tế nhị”, nhưng rõ ràng không thể không thừa nhận tính tiện lợi mà phương thức này mang lại.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, sự phát triển của các hình thức thanh toán đa dạng, phong phú đã hình thành lớp người không dùng tiền mặt, hiện không chỉ ở giới trẻ mà ở cả tầng lớp trung niên, thậm chí người lớn tuổi. Riêng với lớp trẻ được học tập, tiếp cận thông tin, công nghệ, việc sử dụng thẻ tín dụng hay tài chính nói chung còn được lên kế hoạch tỉ mỉ.

Việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo thuận lợi cho người dân.

Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đạt hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với thời điểm cuối năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá, một số phương thức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong tháng 1-2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, qua kênh internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị. Đặc biệt, giao dịch qua phương thức dùng mã QR tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị...

Tuy vậy, theo đại diện một ngân hàng thương mại ở Hà Nội, hiện tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp, rửa tiền, trốn thuế, gian lận, lừa đảo. Thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng, bởi đầu tư công nghệ bảo mật đòi hỏi chi phí, nguồn lực không hề nhỏ. Chưa kể, một bộ phận người dân còn có thói quen sử dụng tiền mặt, ngại tiếp cận công nghệ, chưa có đủ thông tin và kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, dẫn đến dễ bị lừa hoặc lộ, lọt thông tin.

Bởi vậy, đa số các ý kiến cho rằng, cần tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Thực tế, thanh toán không tiền mặt có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm khối lượng tiền mặt lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội. Các hình thức thanh toán tiền mặt truyền thống như hiện nay tiêu tốn nhiều chi phí: In ấn, kiểm đếm, chi phí vận chuyển từ ngân hàng chính ra các ngân hàng nhỏ lẻ, thời gian kiểm đếm tiền, bảo quản, hủy bỏ tiền cũ, tiền rách, chưa kể nạn in tiền giả… Trong khi đó, việc thanh toán phi tiền mặt có thể giảm thiểu được những lãng phí nêu trên.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong đó, sẽ tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tổ chức xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

 Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn:

Lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp

Gần đây, các ngân hàng thương mại ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân. Để tăng cường bảo đảm an toàn trong giao dịch chuyển tiền, thanh toán trực tuyến, một trong những giải pháp an toàn, bảo mật được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là buộc xác thực sinh trắc học để xác định tài khoản chính chủ khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. Theo đó, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng). Công nghệ này được đánh giá hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Hưng:

 Tăng cường năng lực xử lý

Với việc xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tổ chức vận hành an toàn, ổn định và thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và hỗ trợ hoạt động kinh tế, trong năm qua, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao (hơn 27 triệu/ngày). Chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) đối với các dịch vụ chuyển mạch ATM/POS, thanh toán thẻ trực tuyến và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS đạt cam kết 99,98%.

Thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, bảo đảm hoạt động liên tục, an ninh, an toàn hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, hành chính công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục xem xét áp dụng chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt...

Chị Trần Hồng Phương (nhân viên Công ty Itek Elevator, Hà Nội):

 Bảo đảm an toàn cho người sử dụng

Lâu nay, tôi đều sử dụng tài khoản ngân hàng cho các giao dịch mua bán từ nhỏ nhất như khi mua cốc trà, ly cà phê, đến thanh toán các dịch vụ điện, nước, điện thoại... qua chuyển khoản hoặc thanh toán trực tuyến từ tài khoản ngân hàng, thường xuyên nhất là sử dụng QR code và ví điện tử. Không chỉ doanh nghiệp, người dân, hiện nhiều cửa hàng, người bán lẻ cũng đã rất nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt như thế này. Tôi thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mang lại rất nhiều sự thuận tiện cho người sử dụng, bởi tính gọn nhẹ, không phải mang tiền mặt theo người. Tuy nhiên, người sử dụng dịch vụ như chúng tôi cũng còn lo ngại về tính an toàn, bảo mật thẻ, sau hàng loạt các sự vụ lừa đảo, lấy cắp tài khoản... xảy ra gần đây.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, theo tôi, điều quan trọng không chỉ ở dịch vụ ngân hàng cần đa dạng hơn, mà còn chính là bảo đảm tính an toàn cho người sử dụng thẻ, tránh những rủi ro cho khách hàng.

Thanh Nga ghi

 

Hà Linh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quý I-2024, xử lý 275.130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Ngày 31-3, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, quý I-2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền gần 2.041,5 tỷ đồng, tước 206.468 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 373.545 phương tiện các loại.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/xu-huong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tien-dung-song-can-bao-dam-an-toan-662356.html