Xuất khẩu lao động “chui”

05/11/2019 09:06

Kinhte&Xahoi Nếu không có vụ 39 người chết trong xe tải tại Anh thì hẳn là những đối tượng tổ chức, môi giới đưa người ra nước ngoài vẫn tiếp tục công việc.

Tại diễn đàn Quốc hội, trong phiên họp về công tác phòng, chống tội phạm, nhiều đại biểu tỏ ý kiến lo ngại về tình trạng người Việt Nam xuất khẩu lao động trái phép ra nước ngoài, đồng thời đề xuất các biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này, đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Nếu như không có vụ 39 người chết trong xe tải tại Anh gây chấn động thì hẳn là những đối tượng tổ chức, môi giới đưa người ra nước ngoài trái phép ở Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn tiếp tục công việc “thường nhật” của mình.

Ảnh minh họa

Cần nhìn thẳng vào đây để có những biện pháp trước mắt và lâu dài hạn chế và chấm dứt tình trạng này mà động tác đầu tiên là siết chặt quản lý, kịp thời phát hiện đường dây tội phạm, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhiều hơn nữa.

Sự thật là công tác quản lý nhân khẩu của địa phương chưa chặt chẽ, để người dân của mình tự tìm cách đi ra nước ngoài kiếm sống bằng con đường bất hợp pháp. Vì thế, nhiều người đã ra đi trót lọt, ngay cả khi bị nước sở tại phát hiện, trục xuất về nước thì họ cũng không bị xử lý nghiêm. Nhiều người đi xuất khẩu bằng con đường hợp pháp, hết hạn trốn ở lại làm phương hại đến chính sách ngoại giao nhưng hầu như chính quyền bất lực trước hiện trạng này.

Ở các địa phương gần biên giới phía Bắc, rất nhiều người sang Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp, trốn chui, trốn lủi trong các công xưởng, nhà máy.
 
Mọi thứ thuộc về quyền con người của họ không được bảo đảm, đúng hơn, không có một bảo đảm gì về sức khỏe, sinh mạng cũng như tài sản. Việc đi làm thuê bất hợp pháp này trở thành phong trào và hầu như chính quyền địa phương coi như không biết, làm ngơ với mong muốn dân kiếm được tiền, cải thiện kinh tế gia đình.

Không thể nói không biết hoặc bây giờ mới biết khi chỉ một xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh có đến hơn một nghìn người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, tạo nên những địa danh “làng xuất khẩu lao động”.

Vấn đề là ở chỗ, chính quyền địa phương có thực sự muốn ngăn chặn lại tình trạng này không khi tính mạng của công dân mình bị đe dọa, đánh cược cả mạng sống lẫn tiền của để ra nước ngoài kiếm tiền bất hợp pháp.

Thời gian gần đây, lực lượng Công an đã ra tay đánh mạnh vào các tổ chức, doanh nghiệp lừa đảo, bán đất dự án “ma”, cho vay nặng lãi,... Nếu kịp thời hơn thì đã tránh được việc nhiều người bị mất tiền oan, gây nên những bất an trong xã hội. Đối với các đường dây đưa người đi nước ngoài cũng nên vậy, cần phải được khám phá, xử lý nghiêm, triệt để./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus