Có thể nói giao thông luôn là mấu chốt quan trọng cho sự phát triển xã hội và kinh tế của cả nước. Cùng với quá trình tăng trưởng của nền kinh tế là sự phát triển ồ ạt của các phương tiện giao thông khiến cho vấn đề trật tự an toàn giao thông nước ta ngày càng trở nên phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề nan giải. Không những số lượng những vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng cao mà vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ở các đô thị lớn, hệ thống đường sá xuống cấp ngày càng trở nên trầm trọng.
Giao thông nhốn nháo đoạn QL5 Mỹ Hào Hưng Yên ngày 10/7/2018.
Hàng loạt các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về ý thức giao thông đúng đắn và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng phương tiện và các hoạt động quản lý giao thông đồng bộ trên cả nước.
Tai nạn giao thông quá nhiều, phổ biến nhất hiện nay là tai nạn giao thông đường bộ, thường xảy ra với các phương tiện như ô tô, xe gắn máy, xe kéo, xe thồ. Rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ở trên các tỉnh thành của cả nước do xe kéo, xích lô chở tôn gây thiệt mạng cho người chở và người tham gia giao thông, điển hình như: Năm 2016 vào khoảng 14 giờ 30, ngày 23/9, cháu Tr.M.H. (9 tuổi), chạy xe đạp do mải mê chơi đùa với các bạn đã va vào tấm tôn sắc nhọn trên chiếc xe xích lô đang đậu bên cạnh đường phố Tân Mai, quận Hoàng Mai. Cú đâm mạnh khiến tấm tôn cứa vào cổ khiến cháu H tử vong.
Tiếp đó chỉ sau 2 ngày vào khoảng 13 giờ 40, ngày 25/9, bà Bùi Thị Sâm (64 tuổi), quê ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, cùng hai người phụ nữ khác đứng chờ xe khách tại khu vực cầu Mai Lĩnh, quận Hà Ðông, cùng lúc, chiếc xe máy có kéo theo xe kéo phía sau buộc bằng dây chở nhiều tấm tôn và cọc tre của ông Trần Hữu Dân (35 tuổi), ở huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội chạy tới bất ngờ bị đứt dây buộc khiến xe kéo chở hàng lao sang vệ đường. Do không kịp tránh nên bà Sâm đã bị cả chiếc xe đâm thẳng vào người, phần cạnh sắc nhọn của tôn và chân chống của chiếc xe kéo đã gây tử vong cho bà. Như vậy có thể thấy xe kéo, xe thồ, xe tự chế chở tôn nguy hiểm đến mức nào.
Tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, với bất cứ phương tiện nào và ở đâu. Tai nạn không chỉ đến với những người tham gia giao thông mà còn đến với cả những người đi bộ trên vỉa hè, đang làm việc trên đường, thậm chí cả trong nhà cũng bị xe đâm vào. Tai nạn giao thông gây ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội, đến tâm lý con người…
Một nguyên nhân cần phải kể đến đó là sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém của cơ quan chức năng và một số đơn vị liên quan đến trách nhiệm được giao vẫn còn. Việc nhiều người sử dụng môtô, xe gắn máy làm phương tiện để chở hàng hóa cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và gây tai nạn giao thông… đã được phản ánh thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng trên địa bàn nhiều tỉnh thành trong cả nước, tình trạng này vẫn còn xảy ra. Phóng viên đã ghi lại một số hình ảnh trong những ngày đầu tháng 7 năm 2018 này về tình trạng xe kéo, xe chở cồng kềnh và nhất là những trường hợp xe kéo chở tôn.
Xe kéo tại đường 419 Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội.
Chiều ngày 10/7/2018 trên QL5 đoạn Thị trấn Bần, tỉnh Hưng Yên.
QL 46 đoạn Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An ngày 6/7/2018.
Sáng ngày 5/7/2018, lúc 11 giờ, trên QL46 thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, xe ô tô khách BKS 37B-021.35 và xe 37B-017.27 đang dàn hàng sang khách trên đường gây cản trở giao thông.
Trên đường Mai Hắc Đế TP. Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 8/7/2018.
Xe kéo mất an toàn giao thông trên QL5 đoạn qua Hưng Yên ngày 10/7/2018.
Vì vậy để giảm thiểu tình trạng này trước hết, mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông khi tham gia giao thông trên đường. Nếu mỗi cá nhân đều có ý thức giao thông đúng với quy định, nghiêm túc điều khiển phương tiện trên đường, đảm bảo tốc độ và chấp hành chỉ dẫn thì sẽ làm giảm đáng kể số vụ tai nạn. Cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho tất cả các tầng lớp nhân dân, trước hết là đưa vào chương trình chính khóa trong trường học xây dựng ý thức giao thông an toàn ngay từ lứa tuổi học sinh.
Giao thông không những là ý thức, trách nhiệm mà còn là văn hóa ứng xử của mỗi con người. Cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa những trường hợp phi phạm luật lệ giao thông. Có như vậy tình trạng mất an toàn giao thông ở nước ta mới hết lo ngại.
Vì vậy để giảm thiểu tình trạng này trước hết, mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông khi tham gia giao thông trên đường. Nếu mỗi cá nhân đều có ý thức giao thông đúng với quy định, nghiêm túc điều khiển phương tiện trên đường, đảm bảo tốc độ và chấp hành chỉ dẫn thì sẽ làm giảm đáng kể số vụ tai nạn. Cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho tất cả các tầng lớp nhân dân, trước hết là đưa vào chương trình chính khóa trong trường học xây dựng ý thức giao thông an toàn ngay từ lứa tuổi học sinh.
Giao thông không những là ý thức, trách nhiệm mà còn là văn hóa ứng xử của mỗi con người. Cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa những trường hợp phi phạm luật lệ giao thông. Có như vậy tình trạng mất an toàn giao thông ở nước ta mới hết lo ngại.
Theo KD&PL