Bộ Công Thương mắc nhiều vi phạm liên quan đến dự án điện mặt trời

17/01/2024 10:30

Kinhte&Xahoi Bộ Công Thương đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc bổ sung các dự án nguồn điện mặt trời vào quy hoạch điện lực các cấp trong giai đoạn 2016-2020.

Thanh tra Chính phủ mới đây đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra (KLTT) về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

KLTT đánh giá công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân… 

Tuy nhiên, KLTT cũng chỉ ra những khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công Thương trong việc bổ sung các dự án nguồn điện mặt trời (ĐMT) vào quy hoạch điện lực các cấp trong giai đoạn 2016-2020.

Những vi phạm của Bộ Công Thương gây ra nhiều hậu quả

Theo KLTT, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020; trong đó 92 dự án với tổng công suất 3.194MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư.

Có tới 15 trong số 23 tỉnh nêu trên không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố. Do đó, việc phê duyệt các dự án này là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Cũng theo cơ quan thanh tra, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 850MW. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư, trong khi không lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020 theo yêu cầu tại Quyết định 11/2017 của Thủ tướng. Vì vậy, việc phê duyệt 54 dự án này với công suất 10.521 MW là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh Internet

Việc Bộ Công thương phê duyệt bổ sung các dự án ĐMT không quá 50 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án ĐMT trên 50 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư dự án - mà không lập quy hoạch điều chỉnh, không lập quy hoạch theo quy định đề làm căn cứ, cơ sở cho việc quản lý đầu tư theo đúng trình tự quy định, dẫn đến việc phê duyệt bổ sung các dự án ĐMT không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, không có tính tổng thể, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát việc phê duyệt bổ sung, không phù hợp với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ngoài ra còn không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không đảm bảo minh bạch, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.

Thanh tra Chính phủ xác định, với việc phê duyệt 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW/850 MW (cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh), trong đó đáng chú ý là phê duyệt riêng lẻ 137 dự án với tổng công suất 9.366MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020; đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu tư thực tế là 8.642MW, cao gấp 10,2 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000MW).

Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đã được đầu tư nhanh với công suất lớn (7.864MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều này dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã tăng từ 1,4% lên 23,8%. Chưa kể, còn có 6 dự án/phần dự án (452,62MW) đã hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại.

Nhiều vi phạm của Bộ Công Thương liên quan đến dự án điện mặt trời. Ảnh minh hoạ/Internet

Nguồn ĐMT phụ thuộc vào thời tiết, tính ổn định thấp, do đó việc đầu tư nhiều ĐMT nối lưới, tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có phụ tải thấp, cần phải có phương án giải toả công suất, nhưng lưới điện đã không được đầu tư kịp thời, đồng bộ, dẫn đến mất cân đối giữ nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện, vùng miền,… gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện.

Những vi phạm nêu trên gây ra các hậu quả cụ thể được thể hiện rõ tại văn bản số 1710 của EVN khi tham gia ý kiến với Bộ Công Thương về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển ĐTM dẫn tới tổng công suất đặt nguồn ĐMT dự kiến vận hành thương mại trước năm 2020 đã ký hợp đồng mua bán điện là 5.088MW, vượt xa mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850MW).

Chuyển hồ sơ 8 vụ việc sang Bộ Công an

KLTT nêu rõ, ngoài giá FIT trả cho chủ đầu tư, chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất là 5,5 cents/kWh. Đáng chú ý là sự không đồng bộ giữa việc bổ sung quy hoạch từng dự án, không có quy hoạch tổng thể và không đồng bộ với lưới điện đi kèm - với tiến độ xây dựng các công trình lưới điện từ 3-5 năm, chậm hơn nhiều so với tiến độ vận hành của điện mặt trời, dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, có khả năng gây quá tải cục bộ và trên diện rộng khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia lai, Đắk Lắk, buộc các nhà máy điện phải giảm phát.

"Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương", KLTT nêu.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, những vi phạm nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa giữa nguồn và lưới, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội... Thanh tra Chính phủ xác định việc để xảy ra các vi phạm đã nêu thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước nhưng vi phạm được nêu trong KLTT, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu 8 vụ việc để xem xét, điều tra xử lý theo quy định.

Ngày 1/3/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản thông báo đã tiếp nhận kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời Thanh tra Chính phủ cũng chuyển KLTT đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại KLTT.

N. Trường - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 6%

Dù một số chỉ tiêu xuất khẩu năm 2023 “lỗi hẹn” với kế hoạch đặt ra song vẫn có những điểm sáng tích cực cùng mức xuất siêu kỷ lục. Điều này cho thấy, tiềm lực xuất khẩu lớn, sức chống chịu của doanh nghiệp luôn được củng cố.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/bo-cong-thuong-mac-nhieu-vi-pham-lien-quan-den-du-an-dien-mat-troi-d203428.html