Ứng dụng công nghệ thông tin - chìa khóa thuận lợi
Chính phủ điện tử trong lĩnh vực GTVT là việc sử dụng CNTT, đặc biệt là internet, như là một công cụ để hỗ trợ vào các hoạt động của Chính phủ do ngành GTVT phụ trách. Qua đó, cung cấp các dịch vụ công cộng, thực hiện các hoạt động của Chính phủ trong lĩnh vực GTVT trên nền tảng công nghệ.
Cán bộ Cục quản lý đường bộ 1, trực thuộc Tổng cục đường bộ ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong Chính phủ điện tử của Bộ GTVT sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng.
Thực tế, thời gian qua các đơn vị đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của đơn vị. Thu phí tự động không dừng (ETC) là một trong những ví dụ điển hình về hiệu quả của ứng dụng CNTT trong ngành GTVT, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông; Đồng thời giúp công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí.
Người dân khi đi qua trạm thu phí dễ dàng quan sát thấy việc phân làn rõ ràng, trong đó có làn dành riêng cho những phương tiện có dán thẻ thu phí tự động không dừng mới được phép đi vào.
Hiện nay, chủ phương tiện được miễn phí dán thẻ thu phí không dừng cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021. Sau ngày này, chủ phương tiện sẽ phải trả phí cho việc gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ.
Là một trong những người dân hưởng lợi từ việc dán thẻ thu phí không dừng miễn phí, anh Trần Đức Trung (ở Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Quê tôi ở Lạng Sơn, một tuần ít nhất cũng về một lần. Vì vậy, để thuận tiện cho di chuyển, tôi đã sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng”.
Nghe thì rất phức tạp, nhưng chủ phương tiện có thể đến các điểm của nhà cung cấp dịch vụ, trạm thu phí có triển khai dịch vụ và Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn để đăng ký dán thẻ và mở tài khoản giao thông.
Vì là mua cho xe gia đình nên khi đi dán thẻ mở tài khoản, anh Tr chỉ cần mang theo chứng minh thư (hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu, giấy phép lái xe hạng B1 trở lên) và đăng ký xe, đăng kiểm xe, giấy đề nghị mở tài khoản.
“Từ khi sử dụng thẻ thu phí không dừng, tôi thấy di chuyển rất thuận tiện. Đằng nào cũng mất phí, nên tôi chọn cách trả phí không bị ùn tắc, chờ đợi, không phải trả tiền mặt khi dịch bệnh phức tạp thế này, vừa nhanh gọn lại tiết kiệm thời gian”, anh Trung chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc triển khai hoạt động thu phí tự động không dừng trong lĩnh vực đường bộ, có thể kể đến một số lĩnh vực bước đầu đã mang lại hiệu quả như đường thủy nội địa, hàng hải, đăng kiểm là những đơn vị của ngành GTVT đứng đầu về mức độ ứng dụng CNTT.
Đại diện Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết, việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, vận hành đã góp phần đáng kể vào sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực Cục phụ trách. Bởi so với trước đây, việc quản lý, theo dõi gần 7.000km đường thuỷ theo phương thức truyền thống thực sự rất khó khăn. Cho nên, việc ứng dụng CNTT giúp cán bộ ngành có thể kiểm tra, giám sát ở bất cứ đâu bằng máy tính, điện thoại… thông qua hệ thống theo dõi.
Có thể nói, thực tế đã chứng minh việc ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự giao thông, đồng thời công khai, minh bạch, giảm phiền hà, nhũng nhiễu, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, chi phí đi lại hướng tới mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực GTVT
Bên cạnh những thuận lợi do ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác, hướng đến phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì quá trình xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực GTVT vẫn còn một số tồn tại.
Trạm thu phí triển khai làn thu phí tự động không dừng
Cụ thể, hiện nay Bộ GTVT chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung trong phạm vi toàn ngành, đặc biệt việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và với các bộ, ngành khác còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại trên, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước đặt ra yêu cầu phải triển khai một cách đồng bộ, tổng thể hệ thống CNTT.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm từ người đứng đầu; mỗi cán bộ ngành GTVT thì phải thường xuyên học tập và tự trau dồi, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, gắn trách nhiệm của lãnh đạo Sở vào việc triển khai nhiệm vụ nhập liệu lên hệ thống kịp thời, đầy đủ, chính xác để phục vụ cho công tác quản lý, đề xuất, tham mưu với cấp trên.
Các đơn vị của ngành giao thông xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, cần triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu theo khung Chính phủ điện tử đã được phê duyệt, nhất thiết cần coi kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và người đứng đầu đơn vị.
Thời gian tới, ngành GTVT cũng sẽ nỗ lực đồng hành cùng các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp CNTT và người dân để kịp thời thu thập dữ liệu, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương nhằm khắc phục hạn chế trong việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021
Hoa Thành - TTTĐ