Hoàn tất kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Chiều 16/6, tại buôi họp báo thường kỳ quý II/2023 của Bộ Tài chính, nhiều vấn đề được dư luận người dân quan tâm trong thời gian gần đây như vấn đề về thuế tối thiểu toàn cầu; xử lý tình trạng ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp “ép” khách hàng mua bảo hiểm; các giải pháp kiểm soát, điều hành giá; Huy động và sử dụng trái phiếu Chính phủ, triển khai kho bạc số, cũng như giải pháp hỗ trợ giải ngân đầu tư công,… đã được Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cùng Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thông tin và giải đáp.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Báo Lao động)
Thông tin về kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đến nay đã hoàn tất kết luận thanh tra đối với 04 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Doãn Thanh Tuấn, khi thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã phát hiện sai phạm nhất định.
Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi theo quy định. Vào đầu tháng 6/2023, Bộ Tài chính cũng đã giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương lưu hành kết luận thanh tra tại 04 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Thu ngân sách Nhà nước đạt 50% dự toán pháp lệnh
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) lũy kế đến ngày 15/6 ước đạt 810,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán (thu ngân sách Trung ương ước đạt 53,3%, thu ngân sách địa phương ước đạt 46,2% dự toán).
Trong đó: thu nội địa đạt 49,8% dự toán, thu từ dầu thô đạt 67,7% dự toán (giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 87,3 USD/thùng, cao hơn 17,3 USD/thùng so với giá dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 48,9% dự toán.
Chi NSNN ước đạt 707,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 23,3% dự toán Quốc hội (tỷ lệ giải ngân ước đạt 23,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao ), chi trả nợ lãi ước đạt 46,1% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 41,8% dự toán,... Đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ NSNN.
Trong đó, ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng năm 2023 bổ sung cho các địa phương 624,8 tỷ đồng để thực hiện phòng, chống dịch, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 15/6/2023, đã thực hiện phát hành 168,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,2 năm, lãi suất bình quân 3,76%/năm.
Lê Hải- Ngọc Huy - Pháp luật Plus