Cách mạng công nghiệp 4.0: Người lao động sẽ bị bỏ rơi nếu “chiến đấu đơn lẻ”

10/09/2018 14:38

Kinhte&Xahoi Trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 sắp diễn ra tại Việt Nam với một nội dung “xương sống” là cách mạng 4.0, có câu chuyện liên quan đến người lao động đã được nói đi nói lại nhiều lần nhưng chưa bao giờ hết nóng. Đó là những người lao động có bị bỏ rơi lại phía sau và các cơ quan hữu quan phải làm gì để sát cánh cùng họ? Báo Lao Động cùng các chuyên gia tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Tuổi nào cũng có nguy cơ bị đào thải

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân khẳng định như vậy với PV Báo Lao Động. Theo ông Huân, cách mạng 4.0 có tác động hai mặt: Một mặt nâng cao năng suất, chất lượng dẫn đến hiệu quả kinh tế cao hơn; mặt khác là liên quan trực tiếp đến người lao động, tạo sự đào thải khi “máy móc hóa” quá trình sản xuất. “Khi doanh nghiệp (DN) tái cơ cấu, đưa công nghệ thiết bị vào thì tất yếu sẽ dôi dư lao động. Hiện nay nhiều DN đã rục rịch chuẩn bị phương án tái cơ cấu nên bây giờ có người nói chuyện về nguy cơ đào thải lao động 35 tuổi thì tôi nghĩ không đúng đâu, có máy móc tuổi nào cũng có nguy cơ bị đào thải” - ông Huân nói.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Người lao động sẽ bị bỏ rơi nếu “chiến đấu đơn lẻ”. Ảnh minh họa

Anh Lê Văn Tâm, ở phố Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn - Thanh Hóa) năm nay 41 tuổi. Anh Tâm học hết lớp 12, vào Bình Dương làm công nhân cho một cty giày da. Sau khi lấy vợ, sinh hai đứa con, đồng lương công nhân không đủ trang trải quá nhiều chi phí cho một gia đình 4 người, anh quyết định về quê. “Tôi đến 3 Cty trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn nhưng không nơi nào nhận. 2 Cty may chê tôi không có kinh nghiệm và tuổi đời “hơi cứng” so với công việc này; 1 nhà máy sản xuất bánh kẹo thì chỉ đồng ý nếu tôi nhận công việc lái xe giao hàng” - anh Tâm nói.

Được hỏi về cách mạng 4.0, anh Tâm nói: “Cũng nghe loáng thoáng nhưng không hiểu lắm. Mười mấy năm làm việc qua 3 nhà máy ở Bình Dương, tôi thấy có nhiều công đoạn máy móc khó thay thế con người. Còn nếu có loại máy móc hiện đại thay thế, thì hàng nghìn đồng nghiệp của tôi chắc sẽ rất khó khăn khi tìm việc mới bởi họ hầu như không có trình độ chuyên môn gì, có người còn chưa học hết cấp 2”.

Thừa nhận nguy cơ máy móc thay thế con người, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) Lê Kim Dung cho rằng, hơn 55 triệu lao động tại Việt Nam sẽ đón nhận cách mạng 4.0 với nhiều sự thay đổi: Thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm, theo đó một số công việc biến mất, đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới.

Cách mạng 4.0 có thể “thổi bay” 66 triệu việc làm

Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) cảnh báo cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới. Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo OECD, cứ 7 người lao động tại 32 các nước phát triển mà OECD tiến hành nghiên cứu thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới do những công việc hiện nay của họ sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là: Công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). 5 nghề không bị robot thay thế là: Luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu. Q.CHI 


Huy động sức mạnh tổng hợp

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, người lao độngViệt Nam hiện đang nằm ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới. Lao động qua đào tạo chỉ chiếm hơn 60% tổng số lực lượng lao động, trong đó chỉ khoảng 21% được đào tạo có chứng chỉ và thời hạn đào tạo từ 3 tháng trở lên.

“Khi bước vào cuộc cách mạng 4.0 mà bản chất lực lượng lao động của chúng ta như thế này thì sẽ gặp thách thức rất lớn. Trách nhiệm, vai trò đầu tiên là của nhà nước, phải định hướng, xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu hướng 4.0. Về phía DN, tổ chức, cá nhân phải tự mình nghiên cứu để chuẩn bị nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ cho người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật mới.

Đặc biệt DN phải tự đào tạo đi trước đón đầu hoặc đào tạo lại ngay lực lượng lao động đang làm việc trong DN để tránh thất nghiệp. Về phía người lao động, phải học tập, tự đào tạo ngành nghề phù hợp với khả năng để làm việc” - ông Lợi phân tích.

Ông Phạm Minh Huân cũng đặc biệt quan tâm đến câu chuyện đào tạo vì lâu nay Việt Nam được biết đến như là quốc gia có lao động giá rẻ, làm dây chuyền. Tuy nhiên trong cách mạng 4.0, lợi thế này sẽ bị mất đi.

“Phải coi trọng việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới, thứ hai là đào tạo lại cho lao động có tuổi đang lao động mà bị mất việc. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ lao động bằng việc tăng cường hỗ trợ từ Quỹ lao động việc làm để đào tạo lao động gặp rủi ro, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động” - ông Huân nói.

Việt Nam đã sẵn sàng cho WEF ASEAN 2018

Ngày 9.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp tới kiểm tra công tác chuẩn bị, tổng duyệt các phương án tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội.

Hội nghị WEF ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 11 - 13/9 với khoảng 60 phiên họp và hoạt động. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho sự kiện WEF ASEAN 2018 đã hoàn tất, sẵn sàng cho các sự kiện của hội nghị.X.HẢI

 
ĐỒNG CHÍ NGỌ DUY HIỂU - ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ỦY VIÊN ĐOÀN CHỦ TỊCH, TRƯỞNG BAN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TỔNG LĐLĐVN: 

Người lao động cần chủ động nâng cao trình độ


“Đối với người lao động (NLĐ) thì cần phải nâng cao trình độ, tích cực tham gia học tập, cân nhắc, lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp. Cùng với đó là cần nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật, tác phong lao động công nghiệp và kỷ luật lao động. Đặc biệt, mỗi NLĐ cần phải có niềm tin đối với cuộc cách mạng 4.0 bởi công việc truyền thống có thể mất đi nhưng sẽ có cơ hội đến với công việc mới đòi hỏi sự thích nghi, ổn định, thu nhập tốt hơn.

Đối với doanh nghiệp (DN) thì người quản lý cần nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, xây dựng phương án sử dụng lao động hiệu quả, lựa chọn ngành nghề phù hợp với xu hướng để điều chỉnh ngành nghề khi cần.

Tôi mong muốn các DN khi đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu cách mạng 4.0 thì cần phải lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực tạo việc làm bền vững cho NLĐ. Hay nói cách khác, cách mạng 4.0 không thuần túy là đạt công nghệ 4.0 mà rộng hơn là có môi trường làm việc và tạo cơ hội việc làm 4.0 - cơ hội việc làm bền vững cho NLĐ. Ngoài ra, DN cần phải quan tâm đào tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất của NLĐ hiện có để NLĐ không “tụt” xa so với công nghệ”. H.A ghi 


Theo Báo Lao động/hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vẫn còn rủi ro trong thanh toán online

Dịch vụ kém, sản phẩm chất lượng thấp, mạng treo, mất tiền... là những bức xúc của khách hàng với một số loại hình thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.