Cái giá phải trả cho những người trẻ sử dụng, mua bán cần sa

21/07/2022 08:20

Kinhte&Xahoi Vừa sử dụng, vừa mua, vừa bán cần sa… đó là thực trạng của không ít bộ phận giới trẻ hiện nay. Đau xót hơn, nhiều bạn còn rất trẻ, thậm chí là thiếu nữ đôi mươi cũng đã phải trả giá đắt cho những hành vi vi phạm liên quan đến loại ma tuý này.

Cần sa thay đổi hành vi của bộ phận giới trẻ

Theo Cục phòng chống HIV - AIDS (Bộ Y tế), cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Hiện nay trong giới trẻ sử dụng các tên khác nhau cho cùng một loại cần sa xuất phát từ cây Cannabis Sativa như “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin” được sử dụng dưới dạng hút, vape (kiểu hút của thuốc lá điện tử), hít, uống hoặc ăn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân và giải trí.

Trong cần sa có các hợp chất làm thay đổi tâm trí ảnh hưởng đến cả não và cơ thể do đó gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.

Một loại bánh có chứa cần sa được lực lượng chức năng phát hiện

Xu hướng một bộ phận giới trẻ hiện nay thích sử dụng cần sa hơn các loại ma tuý truyền thống vì vừa dễ mua (có thể đặt hàng qua mạng xã hội), vừa rẻ tiền nhưng lại thể hiện “đẳng cấp”, tò mò, muốn kích thích cơ thể để xem sự phản ứng thế nào.

Từ tò mò, muốn sử dụng, nhiều bạn trẻ dấn thân sâu hơn và bắt đầu phạm tội khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, buộc phải kiếm tiền để mua hàng về sử dụng. Đến khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì đối tượng đã phạm tội mua bán “chất cấm”.

Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự một nữ đối tượng để điều tra hành vi mua bán trái phép chất ma tuý.

Trước đó, khoảng 21h ngày 6/7, tổ công tác Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy làm nhiệm vụ tại ngõ 45 phố Trần Thái Tông thì phát hiện một đối tượng nữ có biểu hiện nghi vấn.

Qua kiểm tra hành chính, cô gái này tự nguyện giao nộp một hộp nhựa chứa thảo mộc khô và khai nhận đó là cần sa, mang đi bán cho khách.

Đối tượng Bế Bình An tại cơ quan công an

Tổ công tác đã lập biên bản đưa đối tượng cùng tang vật về trụ sở để tiếp tục xác minh, làm rõ. Nhân thân của cô gái này được xác định là Bế Bình An (2002, trú tại phường Tân An, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Tại cơ quan Công an, An khai nhận bản thân có sử dụng cần sa. Khi có người hỏi mua cần sa, An lên mạng xã hội đặt và đi giao cho khách. Tuy nhiên, chưa kịp giao thì bị công an phát hiện, bắt giữ. Hiện Công an quận Cầu Giấy đang tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng theo quy định.

Thực tế thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ việc liên quan đến ma tuý là cần sa. Trong số đó, phần lớn các đối tượng phạm tội có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vì lười lao động, muốn cuộc sống hưởng thụ, kiếm tiền nhanh, bản thân cũng sử dụng cần sa mà đi vào con đường mua bán trái phép chất ma tuý.

Sai lầm liên quan đến ma tuý sẽ phải trả giá đắt

 Theo luật sư Lê Minh Trường (Công ty Luật Minh Khuê), Nhà nước ta coi các tội về ma túy là những tội cần phải trừng trị nghiêm minh trước pháp luật nên người phạm tội dù trẻ hay đã già cũng sẽ không thể tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều người khi bị bắt giữ đã nhận thức được hành vi vận chuyển, mua bán cần sa là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý muốn thực hiện hành vi đến cùng nhằm mục đích kiếm tiền.

Ví như trường hợp của đối tượng An. Căn cứ vào những lời khai ban đầu, An tự nguyện giao nộp và khai nhận đó là cần sa, đang trên đường đi bán cho khách thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Hiện đối tượng An đang bị tam giữ hình sự để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma tuý.

Luật sư Lê Minh Trường (Luatminhkhue, ảnh IT)

Như vậy, việc xác định đối tượng An phạm tội tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 là có cơ sở.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý sẽ phải chịu hình phạt tù trong khoảng từ 2 năm đến cao nhất là tử hình tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ, hành vi vi phạm.

Với trường hợp của đối tượng An, cô gái có tuổi đời rất trẻ nhưng đã có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Không những thế, An còn mua cần sa về sử dụng và bán lại cho người khác để kiếm lời. Đây là hành động không thể chấp nhận được của một cô gái trẻ vì trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục Việt Nam và pháp luật hiện hành.

Để có thể nhận được mức phạt nhẹ nhất thì các đối tượng như An nên có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra để phát hiện, điều tra tội phạm, lập công chuộc tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trong trường hợp các đối tượng bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi mà bị bạn bè dụ dỗ phạm tội thì đó là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy

1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Mua bán với 2 người trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1 kilôgam;

h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 5 gam đến dưới 30 gam;

i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

o) Có 2 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;

p) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 2 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 5 kilôgam trở lên;

b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 2 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Câu chuyện sân bay "có danh mà không phận"

Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, thì hàng không Việt bước vào giai đoạn chạy đà, bứt tốc sau COVID-19, tận dụng cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm để mau chóng mở cửa lại bầu trời thời hậu dịch.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cai-gia-phai-tra-cho-nhung-nguoi-tre-su-dung-mua-ban-can-sa-201479.html