Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần quyết liệt và tăng tốc hơn nữa

10/12/2022 13:55

Kinhte&Xahoi Doanh nghiệp và người dân đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn và có thêm niềm tin vào một môi trường kinh doanh an toàn, song việc cải thiện môi trường kinh doanh cần quyết liệt và tăng tốc hơn nữa.

Nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ

Hôm qua (9/12) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Duy Đông nhấn mạnh, Nghị quyết 02 /NQ-CP đã thể hiện thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp (DN).

“Trong 10 tháng năm 2022, Chính phủ đã có hơn 10 Nghị quyết có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện MTKD. Đây được xem là nỗ lực hỗ trợ cần thiết cho DN, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu; đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo” - Thứ trưởng nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng, Nghị quyết 02/NQ-CP và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện MTKD được xem là gói hỗ trợ cần thiết cho DN; qua đó tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa.

“Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ở mức độ nhất định, DN và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52). Việt Nam được WEFđánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng MTKD có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Cụ thể là: chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến DN; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện.

Niềm tin về triển vọng phục hồi cũng được thể hiện qua những con số về thành lập DN như: Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.485 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 gấp 1,46 lần số DN rút lui khỏi thị trường.

Khó khăn, thách thức ngày càng rõ ràng

Bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách MTKD đang có xu hướng chùng xuống, chưa được như Chính phủ chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh DN rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện MTKD.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Hoa Cương, do bối cảnh thị trường suy giảm, giá cả tăng cao, sức khoẻ của DN chưa kịp phục hồi nên sức chống chịu yếu hơn. “Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng thấp hoặc giảm vì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế này thể hiện qua con số 122.135 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021 (tính trong 10 tháng năm 2022); phần lớn là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn. Trong khi đó, áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022 ngày càng rõ ràng; nhiều DN buộc phải cắt giảm lao động; hoạt động sản xuất, kinh doanh cầm chừng…” - ông Cương dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cũng thẳng thắn khi cho rằng một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho DN mà cả với cán bộ thực thi. “Vì thế, niềm tin của DN vào cải cách thể chế, cải thiện MTKD còn mong manh” - Thứ trưởng Đông nói.

Cùng với đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).

“Nhìn chung, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách MTKD là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương” - Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay.

 Linh Linh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tránh các tiêu cực trong phân bổ vốn đầu tư

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1513/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-can-quyet-liet-va-tang-toc-hon-nua-d187648.html