Cần thống nhất mẫu xác nhận đã tiêm vaccine phòng dịch Covid-19

27/06/2021 21:10

Kinhte&Xahoi Nhiều địa phương đã tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và mỗi người sau khi tiêm xong được cấp giấy xác nhận, nhưng mỗi nơi mỗi khác. Vậy tại sao không thống nhất mẫu giấy? Vì lỡ ai đó làm giả xác nhận với mục đích không tốt để qua chốt kiểm dịch, đã nhiễm bệnh nhưng cố tình lây lan cho cộng đồng?

Về vấn đề nêu trên, Luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19, là một sự kiện mới, chưa có tiền lệ và việc tiêm vaccine Covid-19 cũng đang được thực hiện. Do nhiều đơn vị thực hiện nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch nên nơi nào tổ chức tiêm thì nơi đó cấp giấy xác nhận. Điều này có thể hiểu là giấy tạm thời, khi nào có mẫu thống nhất sẽ áp dụng theo mẫu. Riêng ai có nhu cầu xác nhận đã tiêm ngừa quốc tế, thì làm thủ tục theo hướng dẫn của Trung tâm phòng chống dịch bệnh để được xác nhận.

 Cùng tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, nhưng mỗi nơi cấp giấy xác nhận khác nhau.

Việc làm giấy xác nhận giả để sử dụng bất hợp pháp, thậm chí làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý theo các quy định chung về giả mạo tài liệu hay làm lây lan dịch bệnh. Cụ thể, tại điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, quy định về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, như sau: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm”.

Tội danh nêu trên còn quy định mức phạt tù cao nhất từ 3 - 7 năm nếu làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Cũng theo luật sư Đào Kim Lân, đối với người biết mình đã có bệnh truyền nhiễm, nhưng cố tình dùng giấy xác nhận giả để thực hiện mục đích xấu, như: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại điều 240 BLHS năm 2015.

Việc sử dụng giấy tờ giả là một vấn nạn, nhằm đạt một mục đích nào đó. Ngay cả bằng cấp, giấy tờ có giá trị và văn bản của các cơ quan chức năng cũng bị làm giả, nên việc hạn chế là rất khó. Tất nhiên những hành vi đó sẽ bị xử lý, đồng thời cần sự cẩn trọng của các cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19, bùng phát diện rộng như hiện nay.

“Vì vậy, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, về góc độ quản lý và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, thiết nghĩ Bộ Y tế và các đơn vị liên quan cần sớm ban hành một mẫu xác nhận thống nhất để các địa phương tiện thực hiện và cấp cho người dân. Tất nhiên không nhất thiết phải dùng phôi như những loại giấy tờ khác, chỉ cần có mẫu để các nơi sử dụng chung và quy định rõ cơ quan nào được ký, đóng dấu như: Bệnh viện cấp huyện, Trung tâm y tế huyện (Giấy chứng nhận sức khỏe và có thể dán hình người được cấp cùng các thông tin cần thiết khác)”, luật sư Đào Kim Lân đề nghị. 

 Tân Tiến - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/vi-sao-khong-thong-nhat-mau-xac-nhan-da-tiem-vaccine-phong-dich-covid-19-425154.html