Cần xét xử công khai các vụ án tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng

20/07/2022 14:04

Kinhte&Xahoi Trước hàng loạt các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ngắn gần đây, lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết, sẽ đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án Nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp tổ chức xét xử công khai các vụ án điểm vi phạm về trật tự an toàn giao thông có tính chất nghiêm trọng.

Gia tăng các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng

 Thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/6/2022), toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người.

So với 6 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 663 vụ (giảm 10,41%), tăng 79 người người chết (tăng 2,44%) và giảm 793 người bị thương (giảm 17,69%).

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng

Trong đó, đường bộ vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ cao với 5.637 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.240 người, bị thương 3.676 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 662 vụ (giảm 10,51%), tăng 58 người chết (tăng 1,82%), giảm 797 người bị thương (giảm 17,82%).

Phân tích nguyên nhân trên 3.354 vụ tai nạn giao thông, có 21,7% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 24,9% do không quan sát; 11,5% do chuyển hướng không chú ý; 7,67% do không giữ khoảng cách an toàn; 5,43% do vượt xe sai quy định; 3,48% do vi phạm tốc độ xe chạy; 3,86% do sử dụng rượu bia…

Đáng chú ý, có 13 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, làm chết 37 người, bị thương 29 người, trong đó xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy tại Quảng Nam, làm chết 17 người.

Trong đó, có vụ tai nạn giao thông tại Bắc Giang đêm 2/6 khiến 3 người chết, nguyên nhân do cán bộ công tác trong ngành Giao thông Vận tải điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia và vụ tai nạn giao thông tại Hoà Bình ngày 4/6 làm 3 người chết và 1 người bị thương, nguyên nhân do xe tải chở quá tải trọng lật đè lên ô tô con gây bức xúc dư luận xã hội.

Phân tích nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông cho thấy, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế.

"Mổ xẻ" các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng, 90% số vụ tai nạn giao thông là do vi phạm của người điều khiển phương tiện gây ra, trong đó nguyên nhân là ý thức đạo đức, lái xe sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ, không chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông.

“Nhiều người không am hiểu về pháp luật an toàn giao thông. Chúng ta cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát được quy định về thời gian làm việc của người lái xe kinh doanh vận tải bao gồm thời gian liên tục và thời gian tối đa 1 ngày. Bên cạnh đó, thực trạng quản lý, cấp, thu hồi giấy phép lái xe còn nhiều bất cập”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nói.

Đề nghị xét xử công khai các vụ án điểm về tai nạn giao thông

 Để kiềm chế tai nạn giao thông, trước tiên, các địa phương cần có giải pháp mạnh mẽ, dứt khoát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đề cập đến tình trạng xe quá tải hiện nay là khá phổ biến, lực lượng chức năng chỉ ra quân trong một thời gian ngắn đã xử lý tới cả chục nghìn trường hợp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đặt vấn đề: “Nên chăng sửa Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Có quy định quá tải đến mức nào sẽ phải tịch thu xe. Cắt thùng xe không phải là giải pháp căn cơ”.

Hiện trường vụ tai nạn lật xe chở đất quá tải ở Hòa Bình làm 3 người chết

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế; Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện.

Nguyên nhân lớn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số nơi còn hạn chế. Bộ trưởng đề nghị kiểm điểm lại ở những địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng có phải do vấn đề thực thi pháp luật hay không, để điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu lực thực thi.

Bàn về giải pháp triển khai trong những tháng cuối năm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp tổ chức xét xử công khai các vụ án điểm vi phạm về trật tự an toàn giao thông có tính chất nghiêm trọng, mời các cơ quan báo chí tham dự để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Câu chuyện sân bay "có danh mà không phận"

Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, thì hàng không Việt bước vào giai đoạn chạy đà, bứt tốc sau COVID-19, tận dụng cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm để mau chóng mở cửa lại bầu trời thời hậu dịch.

Kinh tế Hà Nội: Tăng tốc để về đích

Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tăng tốc phát triển kinh tế nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/can-xet-xu-cong-khai-cac-vu-an-tai-nan-giao-thong-gay-hau-qua-nghiem-trong-201401.html