Giá dầu giảm là một trong những yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI 7 tháng năm 2023. Ảnh minh họa.
So với tháng 12-2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,45% của CPI tháng 7 có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%).
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân là do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Chỉ số giá vàng tháng 7 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 3,27% so với tháng 12-2022; tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 1,06%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7 tăng 0,53% so với tháng trước; giảm 1,71% so với tháng 12-2022; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 2,39%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Bảo Hân - Hà Nội mới