110 toà chung cư cao tầng chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng

07/01/2019 14:58

Kinhte&Xahoi Cả nước có 4.166 nhà chung cư cao tầng, siêu cao tầng trong đó có 110 công trình đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về thực tế tình hình phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng và các giải pháp kiểm soát.

Bộ Công an đã có công văn số 1509 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cho biết: Hiện nay, cả nước có 4.166 nhà chung cư cao tầng, siêu cao tầng trong đó có 110 công trình đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Phòng cháy chữa cháy trở thành mối lo ngại của rất nhiều người mua nhà.

 

"Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy,...", Bộ Công an cho biết.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã hoàn thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế chung cư cao tầng tại một số địa phương để đánh giá thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đồng thời, chỉ đạo Công an các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ấn định thời gian yêu cầu chủ đầu tư, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp khắc phục những vi phạm, tồn tại để tiến hành nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động đối với những bộ phận chung cư, nhà cao tầng vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc có khả năng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đợt cao điểm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên phạm vi toàn quốc, tập trung lực lượng phương tiện sẵn sàng xuất xe chữa cháy ngăn chặn, kiềm chế tình hình cháy, tổ chức kiểm tra các cơ sở có nguy cao về cháy nổ, công khai danh sách các cơ sở mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp quản lý căn hộ, kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá phân loại, điều chuyển cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy gắn với yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đánh giá về công văn trả lời của Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vấn đề để xảy ra mất an toàn phòng chống cháy nổ tại nhà cao tầng và điều quan trọng hơn là phải đưa ra được những giải pháp có tính thực tiễn, đột phá cao nhằm hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng này.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì điều đầu tiên có lẽ họ quan tâm là lợi nhuận. Áp lực phải thu hồi vốn đầu tư khiến họ muốn bán được sản phẩm một cách nhanh nhất. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ trước khi bàn giao sản phẩm cho người dân. Mặt khác, điều quan trọng hơn là do nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn phòng cháy dẫn đến gián tiếp coi thường tính mạng con người.

Đại biểu cho rằng, đối với doanh nghiệp lớn có uy tín thì nhận thức rất rõ, và chấp hành nghiêm tuy nhiên ở Việt Nam những doanh nghiệp này lại không nhiều. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân của tình trạng này còn do các cơ quan quản lý nhà nước làm không đến nơi đến chốn, chưa hết trách nhiệm. Chúng ta chỉ thấy nói là sai phạm và xử lý sai phạm nhưng cụ thể xử lý như thế nào thì không rõ, còn nhiều bất cập trong tổ chức thi hành pháp luật.

"Thực tế cho thấy, văn bản có đầy đủ đến mấy nhưng tổ chức thi hành pháp luật không nghiêm thì cũng không hiệu quả. Do đó, đòi hỏi cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm túc thực hiện; ở đây bảo gồm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng cháy chữa cháy; đặc biệt trách nhiệm Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có các công trình, cơ quan quản lý chuyên ngành về xây dựng...", ông Hiển cho biết.

 

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Miệt mài dốc vốn vào Vinaconex, An Quý Hưng có “sập nguồn” vì nhà đầu tư bí ẩn?

Đến thời điểm hiện tại, An Quý Hưng (AQH) đang “ngồi trên đống lửa” khi các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) ra thị trường. Vậy, nếu An Quý Hưng tuột mất số cổ phần này, e rằng thế đứng “vững như bàn thạch” của AQH sẽ bị lung lay.

Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản

Mặc dù đã chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử song tài sản của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài - ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần.