Bắc Giang: Thông tin ép giá mua vải thiều xuống còn 2.000 đồng/kg là không đúng sự thật

28/05/2021 07:36

Kinhte&Xahoi Tối 27/5, UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã có phản hồi về thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng người dân đi bán vải thiều bị thương lái ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg.

Theo đó, ngày 27/5, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về trường hợp người dân đi bán vải chín sớm bị thương lái thu mua ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg. Ngay khi nắm bắt được thông tin, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo Công an huyện, các ngành chức năng, chính quyền xã Phượng Sơn tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.

 Lãnh đạo huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang khẳng đinh không có chuyện vải thiều bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg. Ảnh: Bình Minh

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, qua quá trình làm việc trực tiếp với chủ hộ thu mua vải, chủ hộ đã ký biên bản làm việc khẳng định thông tin tài khoản Facebook đã đăng tải về việc ép giá mua vải trong sáng 27/5 xuống còn 2.000/kg là không đúng sự thật. Đồng thời cung cấp sổ sách ghi chép, theo dõi chi tiết việc thu mua vải trong ngày để xác thực.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, hiện nay, huyện Lục Ngạn đã vào vụ thu hoạch vải chín sớm, nhìn chung việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi. Đối với sản phẩm quả vải chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng thì có giá bán ổn định từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Các loại vải chín sớm khác có giá bán dao động theo phân loại sản phẩm và nhu cầu của thị trường. “UBND huyện Lục Ngạn khẳng định thông tin đã đăng tải, lan truyền trên mạng xã hội ngày 27/5/2021 là không đúng sự thật” - ông La Văn Nam cho biết.

Trước tình hình này, UBND huyện Lục Ngạn đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn kịp thời thông báo nội dung Văn bản này trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn, tổ dân phố. Đồng thời tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình tiêu thụ và dư luận trên địa bàn, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lan truyền thông tin, để người dân yên tâm sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ vải thiều.

Được biết, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó, diện tích vải sớm 6.050ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5/2021 đến 20/7/2021 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6).

Các vùng vải tập trung Tân Yên, Lục Ngạn khẳng định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt, an toàn dịch bệnh, không bị nhiễm Covid-19, được người tiêu dùng trong và ngoài nước yên tâm sử dụng.

Theo thống kê của ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang, từ đầu mùa đến ngày 27/5, toàn tỉnh đã tiêu thụ được gần 11.000 tấn vải thiều. Trong đó, tiêu thụ nội địa 7.746 tấn và xuất khẩu 3.189 tấn. Giá bán bình quân tại các điểm cân ngày 27/5 là 15.000 - 28.000 đồng/kg. Riêng giá vải xuất khẩu đi Nhật Bản được thu mua với mức 55.000 đồng/kg.

 Thiên Tú - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiêu thân trên sàn ảo

Những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới, song số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng gia tăng khiến bao gia đình tán gia bại sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống Nhân dân, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.Thực tế, 15 năm qua, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…

Dồn tiền vào sàn ảo - nhà đầu tư biến thành con nợ

Thông qua các sàn tiền ảo với những lời quảng cáo hấp dẫn sinh lời khủng, thu hồi vốn nhanh, kẻ lừa đảo đã khiến không ít người lao vào đầu tư như thiêu thân. Chỉ thời gian ngắn sau, cùng với sự biến mất của sàn ảo, một khoản nợ khổng lồ đã rơi xuống với những nhà đầu tư này.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bac-giang-thong-tin-ep-gia-mua-vai-thieu-xuong-con-2000-dongkg-la-khong-dung-su-that-421332.html