Bắc Ninh: Công nhân ăn, nghỉ tại nơi làm việc để chủ động sản xuất

31/05/2021 11:13

Kinhte&Xahoi Việc triển khai bố trí công nhân lưu trú làm việc tại các nhà máy phải góp phần bảo vệ nhà máy, bảo vệ công nhân, duy trì sản xuất.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Để từng bước khôi phục hoạt động và đảm bảo chống dịch hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra thông báo yêu cầu các doanh nghiệp phải chuẩn bị chỗ ăn, ở để công nhân ở lại nhà máy làm việc nhằm phòng chống Covid-19. Việc này bắt đầu thực hiện từ 0h ngày 2/6.

Quyết liệt triển khai một loạt biện pháp mạnh

Tỉnh Bắc Ninh đang gấp rút triển khai những biện pháp mạnh, chưa có tiền lệ, đó là yêu cầu giảm 50% số lượng công nhân đi làm việc trong các nhà máy, tổ chức cho người lao động ở tạm trong doanh nghiệp để vừa cách ly, vừa tham gia sản xuất.

Công nhân phải có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào nhà máy làm việc. Nếu không đi làm, ở phòng trọ sẽ "nội bất xuất, ngoại bất nhập", được quản lý như trường hợp cách ly tập trung F2, không được đi ra ngoài.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận có trên 50.000 lao động bị nghỉ việc do tác động của dịch Covid-19.

Công ty TNHH Spica Elastic nằm ở KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Spica Elastic

Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Ấn Độ, đặt tại khu công nghiệp (KCN) Quế Võ mở rộng (Quế Võ, Bắc Ninh) chuyên sản xuất sản phẩm liên quan tới sản xuất sợi tổng hợp đàn hồi - dây chun cho các doanh nghiệp may mặc.

Đây là KCN có 800 công nhân đang làm việc, nhưng có nhiều người là F1, F2 đang phải thực hiện cách ly y tế tập trung và tại nhà.

Sau khi ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, (1 công nhân công ty và 6 trường hợp là người trong gia đình có thành viên là công nhân công ty Spica), tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành truy vết, rà soát được 290 F1. Đến nay đã ghi nhận thêm 22 ca liên quan đến bệnh nhân 4773 - là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam.

Lãnh đạo Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam cho biết, việc công ty dừng sản xuất gây khó khăn cho 45 khách hàng thường xuyên của công ty, nhất là một số khách hàng lớn có lượng công nhân từ 8000 - 12.000 người.

Với những trường hợp F1 đang cách ly y tế tập trung, lãnh đạo Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam cho biết đã quyết định chi trả toàn bộ những chi phí phát sinh khi công nhân của công ty ở khu cách ly tập trung và luôn gọi điện để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của người lao động ở trong khu cách ly tập trung.

Đối với các trường hợp F2, F3 đang cách ly tại nhà, công ty đưa ra đề xuất sẽ sắp xếp chỗ ở cho người lao động trong công ty để đảm bảo việc an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa giúp công ty sớm hoạt động trở lại.

Lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1, F2 và công nhân. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Không chỉ riêng Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam mong muốn được phép hoạt động trở lại sau khi ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên và bị buộc phải dừng hoạt động.

Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, hiện có 5 ca mắc Covid-19, toàn bộ khoảng 8.000 công nhân phải nghỉ việc.

Khu công nghiệp VSIP là một trong 10 KCN đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh, thu hút hơn 36.000 lao động. Tại đây, có 98 doanh nghiệp thuê đất và nhà xưởng, 13 doanh nghiệp đang xây dựng. Công tác phòng chống dịch Covid-19 đang được kích hoạt với mức cao nhất.

Được biết, đã có nhiều công ty gửi công văn đến huyện Tiên Du xin phê duyệt sử dụng cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn làm nơi nội trú cho người lao động.

Đảm bảo sản xuất, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”

“Bắc Ninh đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, nếu xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn”, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện mật độ công nhân lao động sống trên địa bàn tỉnh rất đông, cao gấp 5 lần cả nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất giải pháp mạnh, đó là yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN chuẩn bị điều kiện để triển khai ngay việc bố trí người lao động ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy, không đi ra ngoài.

Việc triển khai bố trí công nhân lưu trú làm việc tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh góp phần bảo vệ nhà máy, bảo vệ công nhân, duy trì sản xuất.

Qua đó, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ và triển khai kế hoạch sản xuất của nhà máy, cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong các khu công nghiệp khi có dịch xảy ra trên diện rộng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch tại trụ sở UBND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Báo Bắc Ninh.

Sáng 30/5, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Ninh do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng Bộ phận, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết, toàn tỉnh đã có 106 ca mắc Covid-19 tại 33 doanh nghiệp trong 7 KCN.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong các KCN, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, đánh giá tình hình dịch. Chỉ đạo xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 10% đối với công nhân lao động tại các doanh nghiệp.

Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cũng đã đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể ban hành tiêu chí doanh nghiệp đảm bảo phòng, chống dịch đủ điều kiện hoạt động; hướng dẫn xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức độ rộng hơn trong cả KCN, chủ động cho tình huống xấu nhất xảy ra.

Nhà bạt dã chiến để phục vụ công nhân ăn, nghỉ tại chỗ trong nhà máy. Ảnh: VOV.vn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định, quan điểm của tỉnh rất kiên quyết, chỉ khi nào các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện phòng, chống dịch thì mới cho hoạt động trở lại.

Về phương án bố trí cho công nhân lao động ăn, nghỉ tại nơi làm việc, tỉnh đã giao các huyện, thị xã, thành phố rà soát, trưng tập các trường học đủ điều kiện, bố trí làm nơi ăn, nghỉ tạm thời cho công nhân lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các tiêu chí, điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch để các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các ngành liên quan thành lập Tổ công nghệ thông tin hỗ trợ phòng, chống dịch.

Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể nguồn kinh phí thực hiện tiêm vắc xin tại các doanh nghiệp; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các doanh nghiệp hỗ trợ, thực hiện chi trả từ 50 - 70% lương cho công nhân lao động khi nghỉ làm việc do thực hiện giãn cách phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận cách làm bài bản, sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận cách làm bài bản, sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh trong thực hiện công tác phòng, chống dịch tại KCN.

Thứ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Tổ công tác, gồm 4 Tổ: Tổ hỗ trợ điều tra, giám sát dịch và xử lý môi trường tại cộng đồng; Tổ hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid 19; Tổ thực hiện phòng chống dịch tại KCN và Tổ hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, Bắc Ninh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ xe đưa, đón công nhân đến nhà máy và quản lý chặt số lao động tại nơi cư trú, khu vực nhà trọ.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiêu thân trên sàn ảo

Những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới, song số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng gia tăng khiến bao gia đình tán gia bại sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống Nhân dân, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.Thực tế, 15 năm qua, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…

Dồn tiền vào sàn ảo - nhà đầu tư biến thành con nợ

Thông qua các sàn tiền ảo với những lời quảng cáo hấp dẫn sinh lời khủng, thu hồi vốn nhanh, kẻ lừa đảo đã khiến không ít người lao vào đầu tư như thiêu thân. Chỉ thời gian ngắn sau, cùng với sự biến mất của sàn ảo, một khoản nợ khổng lồ đã rơi xuống với những nhà đầu tư này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bac-ninh-cong-nhan-an-nghi-tai-noi-lam-viec-de-chu-dong-san-xuat-d156962.html