Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Sẽ không còn 'khoảng trống' trong sách giáo khoa mới?

20/02/2019 11:15

Kinhte&Xahoi Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) mà Bộ GD&ĐT vừa công bố vào cuối năm 2018, môn Lịch sử sẽ được thiết kế lại với nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Theo đó, Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979) sẽ được đưa vào chương trình sách giáo khoa (SGK) mới một cách đầy đủ hơn…

Thế hệ trẻ cần biết lịch sử để hiểu rõ giá trị của hòa bình. (Ảnh minh họa)

Đề cập toàn diện và trung thực

Cuối năm 2017, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử. Và đến cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố Chương trình sau khi đã lấy ý kiến của chuyên gia trong hội đồng góp ý, phản biện và thẩm định. 

Tại một hội thảo mới đây, PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bày tỏ: “Sau 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 kết thúc, vì những lý do “nhạy cảm” khác nhau, cuộc chiến tranh này tuy không hoàn toàn bị quên lãng, nhưng rất ít khi được nhắc đến”.

Theo PGS.TS Đinh Quang Hải, nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, với quá nhiều hy sinh, đau thương và mất mát, không phải là để khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát, mà chính là để làm sáng rõ sự thật lịch sử về cuộc chiến tranh này.

Do đó, PGS Hải mong rằng, chương trình SGK phổ thông mới sẽ có một dung lượng đầy đủ để trình bày một cách khách quan, trung thực về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Việc đề cập chi tiết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc không chỉ cần được đề cập đầy đủ, toàn diện, trung thực ở trong SGK phổ thông mới mà còn phải  tuyên truyền rộng rãi cho toàn thể nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập tự do và hòa bình. 

Còn GS Sử học Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình GDPT khẳng định, chương trình SGK giáo dục phổ thông mới môn Lịch sử sẽ viết chi tiết, đầy đủ và cẩn trọng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc cũng như các cuộc chiến có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Theo GS Tung, nội dung về hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ được trình bày ở lớp 9, trong mạch nội dung “Việt Nam trong những năm 1976-1991”.

Riêng ở cấp THPT, Lịch sử hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ tiếp tục được trình bày trong khuôn khổ của chủ đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)”. Chủ đề này sẽ được tổ chức dạy và học ở lớp 12.

Giúp thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị của hòa bình

Ở góc độ là một giáo viên đã qua 25 năm giảng dạy môn Lịch sử phổ thông và là thành viên của Hội đồng góp ý, phản biện Chương trình môn Lịch sử cho Bộ GD&ĐT, thầy Trần Trung Hiếu, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết, kiến thức về Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ được đưa vào chương trình và SGK mới môn Lịch sử với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.

Trong phần lớn thời gian và lưu lượng kiến thức về lịch sử dân tộc trong các cuốn SGK, giáo trình lịch sử từ phổ thông đến đại học từ xưa đến nay, nội dung kiến thức về các cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc luôn chiếm một thời lượng lớn.

Và trong giai đoạn lịch sử Việt Nam sau năm 1975, bên cạnh nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc 1945-1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 -1989) là một nội dung lớn, là một sự kiện lịch sử dù không muốn nhưng nó đã xảy ra, dù nguyên nhân, diễn biến và kết quả như thế nào thì chúng ta luôn cần phải tôn trọng sự thật lịch sử.

Điều quan trọng đối với các giáo viên dạy Sử khi truyền đạt những kiến thức như thế này để nhắc nhở thế hệ trẻ không nên hiểu phiến diện, không đầy đủ về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao, những lời tuyên bố của các chính khách. Theo thầy giáo Trần Trung Hiếu, đến giờ học Lịch sử mà học sinh chán học là lỗi của thầy cô giáo, chứ không nên đổ lỗi cho SGK.

Trong những ngày gần đây, Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã và đang được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo và học sinh nhìn nhận lại lịch sử. Vì vậy, các thầy cô giáo cần phải cập nhật thêm kiến thức để giảng dạy hấp dẫn hơn để giáo dục cho học sinh và thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Cũng theo thầy Hiếu, từ những hạn chế của sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành liên quan đến một số sự kiện các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1979), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989), sự kiện Gạc Ma (14/3/1988)...

Bởi thế, trong chương trình và sách giáo khoa mới, khi đề cập đến kiến thức này, sách giáo khoa mới cần thể hiện rõ những vấn đề như: phải trình bày đúng và đủ sự thật khách quan của lịch sử về đối tượng, thời gian, không gian, bắt đầu và kết thúc của sự kiện đó; phải nêu rõ nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến sự kiện đó, mục đích của kẻ xâm chiếm, từ đó rút ra tính chất của sự kiện đó, Cuộc chiến tranh đó; khi các sự kiện, các vấn đề lịch sử đó được viết đầy đủ hơn, khách quan hơn thì nó sẽ có tác dụng sâu sắc hơn trong việc giáo dục cho học sinh trân trọng và biết tưởng nhớ, ghi ơn những người đã chiến đấu và hy sinh vì cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Theo Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

PV Power ôm nợ khủng chính thức chào sàn chứng khoán

Ngày 14/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã chính thức đưa 2.341.871.600 cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam- CTCP (PV Power, mã CK: POW) lên niêm yết và giao dịch với tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt hơn 23.418 tỷ đồng.