Dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo 'Nước giải rượu Conditon'?

23/08/2018 16:00

Kinhte&Xahoi Trên thị trường Việt Nam đang lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nước giải rượu Condition do Công ty TNHH XNK phân phối thực phẩm MET nhập khẩu từ Hàn Quốc. Vậy thực hư về sản phẩm ra sao?

Giá bán sản phẩm khoảng 43-45.000 đồng/chai. Sản phẩm đang được quảng cáo và ghi công dụng ghi trên nhãn là: Giúp giải rượu, hạn chế tổn thương tế bào gan do rượu bia và hóa chất độc hại gây nên.

Chicilon Media quảng cáo sản phẩm chưa đúng quy định

Trên màn hình điện tử chuyên quảng cáo của Chicilon Media (Công ty CP Quảng cáo truyền thông THIÊN HY LONG Việt Nam) hiện đang quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nước giải rượu Condition xuất xứ từ Hàn Quốc. Đối chiếu với Xác nhận công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thì nội dung quảng cáo Nước giải rượu Condition có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo của Việt Nam.

Trước hết, nội dung quảng cáo không ghi rõ tên, địa chỉ đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo. Đây là hành vi vi phạm và có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng theo điểm b khoản 2 Điều 70 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.

Đặc biệt, theo quảng cáo của Chicilon Media, nội dung giới thiệu sản phẩm Nước giải rượu Condition là “Korea No.1 Hangover Cure Drink” (tạm dịch: Nước giải rượu số 1 Hàn Quốc). Nội dung này chưa được Cục An toàn thực phẩm xác nhận quảng cáo tại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 01923/2017/ATTP-XNQC ngày 12 tháng 12 năm 2017 và đơn vị quảng cáo có khả năng sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, ý nghĩa của cụm từ trên có dấu hiệu vi phạm điều cấm quy định tại luật quảng cáo của Việt Nam. Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định hành vi: Cấm quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Quảng cáo sai sự thật?

Chicilon Media còn quảng cáo: “Sản phẩm đã được bán rộng rãi tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và nhà thuốc trên toàn quốc”. PV trong vai NTD đã đến nhiều hiệu thuốc ở khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội để tìm mua sản phẩm Nước giải rượu Condition nhưng nhiều nơi không bán sản phẩm này. Thực tế nội dung nêu trên cũng chưa được Cục An toàn thực phẩm xác nhận quảng cáo và cũng rất khó để doanh nghiệp chứng minh thông tin trên là chính xác, đủ căn cứ.

Quảng cáo có vi phạm Luật Dược?

Khoản 15 Điều 6 Luật Dược quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.


Nội dung quảng cáo của Chicilon Media về công dụng của Nước giải rượu Condition là: Hạn chế tổn thương tế bào gan do rượu bia và hóa chất độc hại gây nên; Giải rượu… Liệu nội dung quảng cáo này có vi phạm điều cấm của Luật Dược hay không? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng của ngành Y tế trả lời.

Trách nhiệm của Chicilon Media đến đâu

Tại Điều 13 Luật Quảng cáo quy định trách nhiệm của Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là: Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo và thực hiện thủ tục có liên quan theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo (điểm b khoản 2) và chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp thực hiện (điểm c khoản 2).

Như vậy, trong trường hợp quảng cáo sai quy định thì Chicilon Media phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Lật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo thì: Tài liệu hợp pháp quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật quảng cáo bao gồm: a) Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường; b) Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự. Mặt khác, theo Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL, thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường (khoản 2 Điều 2). 

Theo Thương trường/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM