Hà Nội đồng loạt xén vỉa hè, mở rộng đường

04/01/2019 09:23

Kinhte&Xahoi Ngày 28/12/2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội công bố đồng loạt triển khai cắt xén vỉa hè, mở rộng đường trên địa bàn Hà Nội. Tổng chi phí cho các dự án triển khai trên toàn địa bàn thành phố lên đến hơn 125 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, các dự án xén vỉa hè đồng loạt triển khai bao gồm: Mở rộng đường Phạm Hùng, đường Láng, đường Khuất Duy Tiến, đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển.

Cụ thể, tại dự án xén dải phân cách, mở rộng mặt đường Phạm Hùng từ nút giao thông Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến đến nút giao Mai Dịch, tổng chiều dài hơn 3km với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng. 

Hàng cây xà cừ được giữ nguyên không thuộc phần mở rộng đường Láng. ảnh: Mạnh Thắng

 

Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành xén vỉa hè mở rộng mặt đường trên tuyến đường Vành đai 2 (đường Láng) từ đoạn Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở với tổng chiều dài khoảng 4km. Cũng theo phía Sở GTVT Hà Nội, để thực hiện dự án, cơ quan chức năng phải di chuyển hơn 467 cây xanh các loại, trong đó dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây. Tổng mức đầu tư của dự án này là trên 64 tỷ đồng. Từ ngày 1/1/2019, các đơn vị thi công đã triển khai tại 4 điểm nêu trên và dự tính sẽ hoàn thiện trước dịp Tết cổ truyền 2019.

Ghi nhận của PV Tiền Phong trên đường Láng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nghiêm Xuân Yêm nhà thầu đã tiến hành lắp đặt rào chắn, phục vụ việc xén dải phân cách. Hàng rào tôn cách dải phân cách khoảng 60cm. Theo một công nhân đang thi công tại đây (thuộc Công ty đường bộ 1 Hà Tây), ban ngày chỉ làm rào chắn, xén thảm cỏ. Ban đêm mới đào đường để vừa đảm bảo tiến độ thi công và không ảnh hưởng đến giao thông.

Phía đường Láng dọc sông Tô Lịch, một số máy xúc đang đào đất sát bờ sông, dự kiến vị trí này sẽ làm đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp. Một số công trình tạm sát bờ sông Tô Lịch cũng đang được tháo dỡ.

Đường Láng sẽ được xén vỉa hè mở rộng phía giáp sông Tô Lịch. ảnh: trần hoàng

 

Theo anh Đỗ Đức Trung (chủ một ga-ra ô tô trên đường Lê Văn Lương) cho biết: tuyến đường Phạm Hùng cứ từ 16h30 trở đi bắt đầu đông phương tiện, nhiều hôm ùn ứ đến 19h tối. Đặc biệt là xe ô tô tải từ trên đường Vành đai 3 trên cao đi xuống choán hết đường, trong khi dải phân cách giữa đường Phạm Hùng rất rộng. “Theo tôi, bây giờ mới xén đường là muộn, tuy nhiên sẽ giúp giao thông thông thoáng hơn. Đặc biệt những ngày Tết sắp tới”, anh Trung nói.

Tại đường Láng, ông Đỗ Gia Bình (966 đường Láng) cho biết, đường Láng thường xuyên ùn tắc nên mở rộng được thì người dân đều ủng hộ. Tuy nhiên, ông Bình cũng bày tỏ luyến tiếc không gian vườn hoa sát bờ sông sắp bị phá bỏ. Ông Bình nói: “Vườn hoa này nhiều cụ hưu trí thường xuyên ra đó tập thể dục, chơi cầu lông. Nay đã quây rào thì cũng chưa biết chỗ nào để vui chơi”.Không ảnh hưởng hàng cây xà cừ đường Láng

 Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ kết quả khả quan của việc mở rộng 2 tuyến đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố tiếp tục cho phép thực hiện xén dải phân cách để mở rộng mặt đường giao thông tuyến Vành đai 2; 3. Việc thi công được diễn ra trong hàng rào tôn, sát mép đường nên không ảnh hưởng nhiều đến giao thông. 

Nói về dự án mở rộng đường Láng (đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy), đại diện Sở GTVT cho biết, duy nhất đây là dự án mở rộng phần vỉa hè gần sông Tô Lịch và phải di chuyển, chặt bỏ gần 500 cây xanh. Đây cũng là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Không ảnh hưởng đến hàng cây xà cừ lâu năm trên đường Láng”. 

Được biết, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát trên địa bàn các quận xem có tuyến đường nào cần thiết và phù hợp sẽ báo cáo, xin phép UBND thành phố Hà Nội cho xén hè, dải phân cách để mở rộng đường, giảm ùn tắc giao thông.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng hạ tầng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết thêm, đây là dự án do Sở GTVT là chủ đầu tư, Sở Xây dựng chỉ phối hợp cấp phép phương án di chuyển cây xanh. Toàn bộ dự án chỉ liên quan đến bờ sát sông Tô Lịch dải phân cách giữa không ảnh hưởng, do đó toàn bộ cây xà cừ lâu năm ở dải phân cách giữa cũng không liên quan đến dự án. Đối với các cây di chuyển chủ yếu là cây phượng, bằng lăng, sấu… non tuổi, bao gồm 476 cây đã được đánh số thứ tự. Số cây trên cũng đã được phân loại, có 105 cây sâu, rỗng thân, cong queo hoặc không phù hợp với loại cây đô thị buộc phải chặt bỏ. Còn lại 371 cây sẽ được đánh chuyển về trồng lại ở khu vực đường 70 (nút giao với Đại lộ Thăng Long). 

Vì sao làm cấp tập tháng cận tết?

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận xét: Việc Hà Nội tích cực tìm các giải pháp chống ùn tắc giao thông là đáng hoan nghênh. Đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng đây cũng là những nỗ lực của UBND thành phố. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận việc ùn tắc diễn ra liên tục trong cả năm tại sao không mở rộng đường sớm hơn? Làm cấp tập trong chưa đầy 1 tháng giáp tết rất có thể phát sinh nhiều bất cập về tiến độ, chất lượng thi công… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có rất nhiều tuyến đường đã xuống cấp như đường tỉnh 70, thường xuyên ùn tắc, là nỗi ám ảnh của người dân buộc phải đi qua đây nhưng rất lâu rồi chưa được nâng cấp. “UBND thành phố nên có khảo sát các tuyến đường ùn tắc để tìm giải pháp và thực hiện sớm trong thời gian tới”, ông Liên đề nghị.

 

Trước đó, gói thầu “Di chuyển cây xanh, chỉnh trang, trồng mới cây xanh, thảm cỏ và chi phí hạng mục chung” thuộc dự án Xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nguyễn Chí Thanh (đầu năm 2018) cũng vướng phải lùm xùm trong đấu thầu. Thông báo của Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông thuộc Sở GTVT Hà Nội nêu rõ: Đây là gói thầu sử dụng vốn ngân sách thành phố (nguồn sự nghiệp kinh tế), với hình thức lựa chọn nhà thầu qua đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian phát hành hồ sơ mở thầu từ ngày 29/12/2017 đến  ngày 8/1/2018. Tuy nhiên, trước giờ đóng/mở thầu gói thầu diễn ra như thông báo, bất ngờ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông lại thông tin Hà Nội đã hủy thầu gói thầu này. Lý giải việc này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Do có nhà tài trợ nên hủy gói thầu này. (!?) 

 

Theo Tiền phong/Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Miệt mài dốc vốn vào Vinaconex, An Quý Hưng có “sập nguồn” vì nhà đầu tư bí ẩn?

Đến thời điểm hiện tại, An Quý Hưng (AQH) đang “ngồi trên đống lửa” khi các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) ra thị trường. Vậy, nếu An Quý Hưng tuột mất số cổ phần này, e rằng thế đứng “vững như bàn thạch” của AQH sẽ bị lung lay.

Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản

Mặc dù đã chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử song tài sản của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài - ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần.