Hàng chục tỷ đồng nợ xấu của SPD: Đối tác đã phá sản, SPD có mất tiền tỷ?

27/09/2018 14:29

Kinhte&Xahoi Trong khoản nợ xấu lên đến hàng chục tỷ, trong khi SPD đang miệt mài đi đòi nợ thì có đối tác đã tuyên bố phá sản.

Đối tác phá sản

Theo Báo cáo tài chính đã được soát xét do Công ty CP XNK Thủy sản Miền Trung (SPD) ban hành (quý 2/2018) thì khoản nợ xấu tính đến hết ngày 30/6/2018 là 77,227 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ được tính tại thời điểm ngày 1/1/2018 mới là 53,3 tỷ đồng tức là tăng lên 23,9 tỷ đồng.

Công ty CP XNK Thủy sản Miền Trung có trụ sở tại số 1 Bùi Quốc Hưng, phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Theo đó, Ban Tổng giám đốc đánh giá khả năng thu hồi nợ phải thu quá hạn là thấp vì các khoản nợ này đã tồn tại lâu và chưa thu hồi được.

Một khoản nợ xấu lên tới 77,227 tỷ đồng trong khi Vốn điều lệ theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 120 tỷ đồng! Khoản nợ đã chiến hơn 60% vốn điều lệ.

Trở lại Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2017 của Công ty CP XNK Thủy sản Miền Trung thì số nợ xấu tại thời điểm đó được đưa ra là 53,3 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Inox Đại Phát là 2,248 tỷ đồng; Công ty CP Inox Hòa Bình là 32,130 tỷ đồng; Công ty TNHH Hà Đức là 3,812 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất Phú Lâm là 9,994 tỷ đồng; Công ty TNHH Giấy Quốc Quốc Trung là 464,6 triệu đồng; Công ty TNHH SX-TMDV Nguyên Phương là 217,799 triệu đồng; Seatraco Co.,Ltd là 1,540 tỷ đồng; Các đối tượng khác là 2,988 tỷ đồng.

Hầy hết những khoản nợ khó đòi này có thời gian đều trên 3 năm.

Tuy nhiên, khi chưa thể đòi được nợ thì đối tác Seatraco Co.,Ltd có số nợ là 1,540 tỷ đồng đã tuyên bố phá sản.

Cuối năm 2017, khoản nợ xấu mới dừng ở con số 53,3 tỷ đồng, đến Quý 2/2018, khoản nợ xấu đã tăng lên 77,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi đi đòi nợ thì đối tác Seatraco Co.,Ltd có số nợ là 1,540 tỷ đồng đã tuyên bố phá sản.

Trao đổi về nội dung này bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng giám đốc SPD cho hay: Trong khi chưa đòi được nợ thì được biết Công ty Seatraco Co.,Ltd đã tuyên bố phá sản và không còn khả năng trả nợ. Đây là đối tác nước ngoài, chúng tôi đã ủy quyền cho Văn phòng Luật sư khởi kiện Công ty này tại nước sở tại.

Qua một vài con số nợ xấu lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng dường như cách thức để đòi các khoản nợ này của lãnh đạo SPD dường như đang đi vào ngõ cụt khiến khoản tiền không những không đòi được mà còn thâm hụt.

Vậy những khoản nợ lên đến hàng chục tỷ như Công ty CP Inox Hòa Bình là 32,130 tỷ đồng; Công ty TNHH Hà Đức là 3,812 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất Phú Lâm là 9,994 tỷ đồng liệu có rơi vào cảnh…phá sản và mất vốn hay không? Điều này không ai có thể biết trước.

Tuy nhiên, SPD đã có động thái khởi kiện các công ty này ra Tòa án nhân dân nhưng việc trả nợ của các đối tác lớn như Inox Hòa bình (32,130 tỷ đồng) nhanh hay chậm thì SPD không thể tự quyết.

Hiện Inox Hòa Bình đang hứa hẹn với SPD là cam kết mỗi tháng trả 1 tỷ đồng, và trả làm 32 lần cho đến khi nào hết số nợ 32, 130 tỷ đồng.

Tiếp tục ký hợp đồng…vì niềm tin

Xin trở lại các hợp đồng và lấy Công ty CP Inox Hòa Bình (nợ 32,130 tỷ đồng) làm ví dụ. Được biết, Inox Hòa Bình là một trong nhiều đối tác lâu năm và có sự giao dịch kinh tế mạnh đối với SPD. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà SPD lại thường xuyên ký Hợp đồng với Inox Hòa Bình trong khi các nợ cũ chưa thanh khoản theo đúng Hợp đồng.

Năm 2013, SPD và Inox Hòa Bình có ký kết với nhau 03 hợp đồng kinh tế với tổng số tiền hơn 34 tỷ đồng.

Các Hợp đồng ký kết năm 2013; 2014 của SPD và Inox Hòa Bình.


Hợp đồng được ký kết vào các ngày 29/8/2013 (15,33 tỷ đồng); hợp đồng ký ngày 4/9/2013 (10,3 tỷ đồng); hợp đồng ký ngày 16/10/2013 (8,961 tỷ đồng).

Đơn cử như Hợp đồng số 159CNHN-2013/HĐKT ký ngày 4/9/2013 giữa SPD và Inox Hòa Bình  với lượng hàng giao dịch là Thép không gỉ chính phẩm cán nóng dạng cuộn, loại 304 3,0mmx650mm x cuộn (200) với số tiền là 10,308 tỷ đồng.

Theo hợp đồng này, điều 5 nêu rõ: Bên B (tức Inox Hòa Bình) sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hàng bằng chuyển khoản, bù trừ công nợ hoặc trả thay (của bên thứ 3 theo biên bản thỏa thuận giữa các bên) cho bên A trong vòng 90 ngày kể từ ngày bên A thanh toán tiền hàng cho nước ngoài.

Điều 7 nêu: Nếu tranh chấp không giải quyết được bằng con đường thương lượng thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Qua các điều khoản này có thể thấy rõ sự ràng buộc các bên rất rõ ràng, tuy nhiên việc thực hiện có nghiêm túc hay không lại là chuyện khác.

Và minh chứng cho điều này đó là khoản nợ khổng lồ lên đến 32,130 tỷ đồng mà Inox Hòa Bình nhiều năm không trả cho SPD. Khiến cổ đông của SPD vô cùng bức xúc.

Vậy, tại sao SPD lại liên tiếp ký kết Hợp đồng với Inox Hòa Bình trong khi tiền trả hợp đồng chưa được thực hiện?

Năm 2013, tổng số tiền được ký kết và theo thỏa thuận thì Inox Hòa Bình sẽ trả cho SPD là hơn 34 tỷ đồng thì các năm sau SPD mới tiếp tục ký kết hợp đồng mới? Câu hỏi tại sao Hợp đồng năm 2013 Inox Hòa Bình chưa thanh khoản xong, năm 2014 - SPD lại tiếp tục ký hợp đồng với Inox Hòa Bình với số tiền là hơn 11 tỷ đồng.

Trả lời cho nội dung này, bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng giám đốc SPD cho hay:

Do các đơn vị đều có quan hệ mua bán với đơn vị khá lâu rồi nhưng đến thời điểm đó thì mới có tình trạng như vậy (chủ yếu là giai đoạn các năm 2013 và 2014)”.

Các chi nhánh được quyền chủ động mua bán các hợp đồng. Các chi nhánh đều hạch toán phụ thuộc nên trước khi nhập hàng từ nước ngoài về thì các chi nhánh phải báo cáo về nhập hàng bán cho ai, phương thức thanh toán như thế nào? Thấy đảm bảo thì TGĐ mới duyệt” – Bà Trần Như Thiên Mỵ cho biết thêm.

Bàn luận về phương thức để giải quyết dứt điểm khoản nợ xấu hàng chục tỷ này ra sao?

Bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng giám đốc SPD cho biết: "Tất các công nợ này đều phải thực hiện dự phòng theo quy định của Nhà nước. Các công nợ này đều thực hiện dự phòng rồi. Tất cả các vụ việc này đều đã kiện ra toà. Coi đây là rủi ro trong kinh doanh”.


Theo Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chứng khoán Artex chính thức lên sàn giá tham chiếu hơn 8.000 đồng

Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán Artex chính thức gia nhập vào HNX trong phiên giao dịch ngày Thứ 6 (28/09) với giá tham chiếu 8,100 đồng/cp. Trước đó, ngày 17/09/2018, CTCP Chứng khoán Artex (UPCOM: ART) được chấp thuận niêm yết hơn 37 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX).