Học trực tuyến: Tiếp xúc một chiều và những nỗi lo về tâm lý

29/10/2021 15:20

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh chống dịch Covid-19, học trực tuyến là tất yếu để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên khi học sinh phải học lâu trong môi trường online lại phát sinh ra nhiều vấn đề khiến phụ huynh lo lắng.

Con chỉ thích im lặng...

 Chị Nguyễn Thị Thanh Hoài ở quận Ba Đình chia sẻ: “Con tôi năm nay vào lớp 6, bình thường ham chơi điện thoại nên gia đình luôn phải hạn chế. Bây giờ khi được sử dụng máy tính, điện thoại, con càng sa đà vào chơi game nhiều hơn. Bố mẹ đi làm cả ngày không kiểm soát nổi. Chiều về cất điện thoại đi, con luôn trong tình trạng cáu gắt. Tôi thấy rất lo lắng”.

Nhiều cha mẹ lo lắng vì con có những biểu hiện bất thường về tâm lý (Ảnh minh hoạ)

Anh Đinh Ngọc Đăng ở quận Long Biên cũng cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 9, sau một thời gian dài học trực tuyến, hiện nay tôi thấy con khép kín hơn, không chịu chia sẻ và hay nổi cáu. Con luôn tự ti và nói chỉ muốn học online, không muốn đến trường gặp bạn bè và thầy cô. Thậm chí bây giờ muốn cho con đi học thêm ở nhà cô cũng không chịu đi. Con một mực yêu cầu tìm gia sư kèm tại nhà, nhiều khi còn nói "Con chỉ thích một mình và im lặng". Tôi thấy lo ngại về sự thay đổi của con khi học trực tuyến quá dài. Tất nhiên, kết quả học tập của con cũng giảm hẳn so với trước đi học trực tiếp”.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, học trực tuyến kéo dài, các vấn đề tâm lý của học sinh không chỉ còn ở mức "nguy cơ", mà đã bộc lộ thành nhiều biểu hiện rõ rệt, có dấu hiệu bệnh lý, nhất là với lứa tuổi teen.

Rối loạn tâm lý và trầm cảm

 TS Vũ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Nam Thành công, Tổng Giám đốc Học viện Thành công cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 20% trẻ em và vị thành niên bị rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần chiếm 8% ở trẻ em và 29% ở vị thành niên, trong đó, rối loạn tăng động, giảm chú ý chiếm 14%; rối loạn cảm xúc chiếm 11,5%; rối loạn ứng xử chiếm 9%.

Học trực tuyến khiến trẻ phải thay đôi thói quen sinh hoạt (Ảnh minh hoạ)

Kết quả khảo sát 834 học sinh tại thành phố Hà Nội và 726 học sinh tại tỉnh Hưng Yên được Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành vào năm 2019, tỷ lệ trầm cảm ở học sinh tại Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; Tỷ lệ trẻ stress (căng thẳng thần kinh) tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân đến khám, tăng gấp 4 lần so với cách đây 3 năm. Trong đó, 15-17% trẻ được người nhà đưa đến khám do trước đó có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, dễ cáu giận, buồn bã, hay khóc lóc, thu mình, không tiếp xúc.

Như vậy, chúng ta thấy, tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, đặc biệt là trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng.

Nổi loạn tuổi dậy thì, căng thẳng tuổi dậy thì, trầm cảm tuổi dậy thì... là cụm từ chung chỉ các rối loạn tâm lý ở tuổi vị thành niên cho các trạng thái thay đổi tâm lý thất thường, khí sắc buồn chán, tức giận vô cớ, mất hứng thú với cuộc sống, cảm xúc tiêu cực… Những biểu hiện này kéo dài, thường xuyên sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phát triển toàn diện của các bạn trẻ. Từ những tâm trạng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực sẽ dẫn tới mất khả năng kiểm soát về cảm xúc, suy giảm chất lượng học tập, mất cân bằng trong cuộc sống.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này: Sự thay đổi hormone, biến đổi về cơ thể, áp lực học tập, cuộc sống… Tuy nhiên có một nguyên nhân lớn không thể không kể đến đó chính là ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho các bạn trẻ không thể đến trường, bắt buộc phải thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống, sinh hoạt của các bạn trẻ.

Hàng ngày, các bạn trẻ phải học trực tuyến từ 6-8 giờ đồng hồ, việc lặp đi lặp lại này trong một thời gian dài sẽ gây ra sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu đi sự đa dạng trong cuộc sống. Thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, không được ra ngoài, áp lực về thời gian, quá tải trong học tập dẫn tới năng lượng bị ngưng trệ, bức bí.

Học trực tuyến thời gian dài khiến trẻ bị bí bách

Ở tuổi phát triển, các bạn trẻ rất cần vận động, giao lưu, tương tác, thể hiện quan điểm của bạn thân nhưng khi học trực tuyến, các nhu cầu đó gần như bị mất hết. Thay vào đó là thời gian gò bó, thiếu linh hoạt, bị động, tương tác một chiều, các bạn trẻ không được chủ động quyết định được cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực của mình.

Với trạng thái tâm lý này các bạn trẻ sẽ rất nhạy cảm với các lời chê bai, góp ý của người lớn. Đặc biệt là những bạn mắc phải căn bệnh trầm cảm còn có cảm xúc bị xúc phạm khi cha mẹ hoặc người thân trong gia đình phê bình, chỉ trích. Thông thường các bạn trẻ sẽ phản kháng lại bằng những cơn giận dữ, bực tức. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho các bạn ấy tự cảm thấy bản thân không còn giá trị, mất dần tự tin hoặc tiêu cực hơn là tìm cách giải thoát khỏi tình trạng hiện tại.

Gỡ rối bằng chế độ “vận động oxy”

 Để giúp các bạn trẻ có thể vượt qua tình trạng này. TS Vũ Việt Anh đưa ra lời khuyên: “Về mặt tâm lý, cha mẹ cần động viên, khích lệ, không tạo áp lực cho con, gần gũi với con, đồng hành và chia sẻ để con vượt qua giai đoạn phức tạp này. Về phía nhà trường, thầy cô cũng cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dậy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh.

Thầy cô luôn nhớ rằng, không có học sinh dốt, chỉ có phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Việc học tập, đổi mới trong giảng dạy, tìm tòi những phương pháp giáo dục mới là việc làm thường xuyên của người giáo viên thời đại 4.0.

Thay thế tiêu cực bằng chế độ “vận động oxy” tích cực

Với bản thân các em cũng rất cần có một kế hoạch học tập, nghỉ ngơi khoa học, có mục tiêu cho mỗi môn học. Các em cần biết các tự tạo động lực trong học tập bằng việc tạo cho mình một không gian học tập yên tĩnh, gọn gàng, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, được trang trí theo sở thích, xem các bộ phim, sách chuyện về các tấm gương vượt khó thay vì chơi game, lướt web vô bổ.

Các em cũng cần được nhận thức sự biến đổi cơ thể trong giai đoạn này để chuẩn bị cho mình một tinh thần đón nhận, thay thế những năng lượng tiêu cực bằng một chế độ “vận động oxy” phù hợp, có thể tham gia các câu lạc bộ sở thích, các hoạt động thiện nguyện. Ngoài ra, việc ăn uống đủ chất, lành mạnh, tránh xa các chất kích thích cũng giúp các bạn dễ dàng vượt qua giai đoạn này.

Thích nghi để phát triển là một khả năng kỳ diệu của con người, hãy tận dụng những thời điểm thách thức này để biến đổi tích cực thành một thời điểm đột phá bản thân cho chính các em”.

Áp dụng nguyên tắc ít - nhiều

Theo TS Vũ Việt Anh, áp dụng nguyên tắc ít - nhiều của người Nhật cũng là một gợi ý để các em làm chủ cuộc sống của chính mình.

Nguyên tắc ít - nhiều có thể là: Ít xem ti vi - chơi ngoài trời nhiều; Ít nhăn nhó - cười nhiều; Ít chê trách - động viên nhiều; Ít phán xét - thông cảm nhiều; Ít lo sợ - thoải mái nhiều; Ít áp đặt - cho lựa chọn nhiều; Ít cằn nhằn, bình luận - lắng nghe nhiều; Ít phạt, ép buộc - cùng thỏa thuận để hình thành các nguyên tắc nhiều; Ít phục vụ - yêu cầu tự làm nhiều; Ít bao bọc - cho trải nghiệm và tự lập nhiều. 

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty cổ phần GTNFoods bị xử phạt 70 triệu đồng

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi thông báo xử phạt vi phạm hành chính số tiền 70 triệu đồng đối với công ty cổ phần GTNFoods, vì đã công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hoc-truc-tuyen-tiep-xuc-mot-chieu-va-nhung-noi-lo-ve-tam-ly-181493.html