Khai thác than “núp bóng” xây nghĩa trang: Lộ diện nhiều dự án nghi cùng kịch bản

11/12/2018 08:47

Kinhte&Xahoi Dự án xây dựng nghĩa trang với quá nhiều sai phạm về thất thoát tài nguyên khoáng sản đang khiến dư luận bức xúc. Điều khiến dư luận “giật mình” hơn là doanh nghiệp thực hiện dự án trên còn được chính quyền ưu ái giao cho 7 dự án khác cùng với một kịch bản khai thác, trên diện tích lên tới hàng nghìn ha..

Các dự án liệu có cùng kịch bản?

Trong khi vụ việc công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long thực hiện khai đào tới hơn 30ha, trong đó có cả diện tích đất rừng phòng hộ, để lấy đất “đắp” vào dự án xây nghĩa trang Đồng Khuôn (xã Quảng La, huyện Hoành Bồ) chỉ rộng hơn 3 ha trên đồi, còn đang là một dấu hỏi lớn, thì hàng loạt các dự án khác cùng trên địa bàn do một tay doanh nghiệp này nắm giữ đã bị lộ diện.

Trong khi dự án xây nghĩa trang Đồng Khuôn đang là dấu hỏi lớn về một lượng than "khủng" bị "bốc hơi" thì lại lộ diện hàng loạt các dự án lớn của doanh nghiệp này trên cùng địa bàn

Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Hoành Bồ, từ nhiều năm trước, Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long có văn bản đề nghị UBND huyện Hoành Bồ giao cho hơn 511,8 ha đất trên địa bàn hai xã Dân Chủ, Sơn Dương để doanh nghiệp này thực hiện Dự án trang trại trồng cây ăn quả. Sau khi có đơn đề nghị, UBND huyện Hoành Bồ đã thực hiện giao cho DN hơn 378,6ha đất trên địa bàn hai xã này để công ty thực hiện dự án.

Cuộc họp giữa huyện Hoành Bồ với công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long đã chỉ ra nhiều vấn đề "lình sình" tại các dự án của doanh nghiệp này (ảnh CTTĐT Hoành Bồ)

Điều đáng nói, trong số hơn 378, 6 ha này có hơn 20,8 ha diện tích hành lang đường điện 500kv, hơn 133ha đất rừng phòng hộ… cũng được UBND huyện Hoành Bồ giao hết cho doanh nghiệp. Chưa kể, theo báo cáo của chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long thì đối với việc đền bù giải phóng mặt bằng, công này đã tự nhận chuyển nhượng, thỏa thuận đền bù với các hộ dân có đất trong quy hoạch thực hiện dự án.

Một dự án khác cũng do doanh nghiệp trên đang nắm giữ với qui mô cũng khá lớn là Dự án cảng tổng hợp và khu dịch vụ. Dự án này có diện tích rộng tới hơn 202,9 ha nằm trên địa bàn hai xã Tân Tiến, xã Lê Lợi. Đặc biệt tại dự án này, Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long cũng với lý do cần đất phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng của chính dự án nên đề nghị UBND huyện Hoành Bồ cho phép được khai thác đất trên địa bàn thôn Yên Mỹ, xã Lê Lợi, cùng huyện Hoành Bồ.

Như vậy, chỉ 2 dự án trong số 8 dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long đã có diện tích đất được giao lên tới gần nghìn ha.

Dư luận lại đặt nghi vấn về một "kịch bản" được dùng đi dùng lại phục vụ cho việc khai thác than trái phép.


Việc doanh nghiệp được giao nhiều dự án với diện tích đất “khủng”, quá trình thực hiện sử dụng những “chiêu bài” cũ như: chuyển nhượng, đền bù với các hộ dân, xin khai thác đất ở nơi khác để phục vụ dự án… khiến dư luận địa phương đặt dấu hỏi liệu có phải đã có một "kịch bản khai thác than lậu" đang được công ty này dùng đi dùng lại?

Lùm xùm nhiều chuyện nhưng vẫn được ưu ái

Đối với dự án nghĩa trang Đồng Khuôn, ông Phạm Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng La, huyện Hoành Bồ đã từng lý giải với báo chí về việc tại sao diện tích đất khai thác để phục vụ “đắp” vào nghĩa trang trên đồi lên tới hơn 30 ha rằng: “Cứ đào đất đá đến đâu lại phát lộ than nên diện tích đào để lấy đất lại rộng ra, vượt ra ngoài ranh giới giao đất thực hiện dự án...".

Trong khi đó, theo Tổng công ty Đông Bắc, đơn vị được giao tận thu than tại khu vực mà Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long khai đào, số than tận thu được chỉ chưa đầy 7.000 tấn.

Lãnh đạo huyện Hoành Bồ tại một cuộc họp đã chỉ rõ sai phạm của doanh nghiệp tại một số dự án (ảnh CTTĐT Hoành Bồ)


UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhận định, đơn vị thi công không triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Trong quá trình thi công có việc doanh nghiệp tự ý thu hồi than tập kết trên bãi dẫn đến dư luận phản ánh về hiện tượng thực hiện sai mục tiêu, gây phức tạp cho công tác quản lý than tại khu vực buộc UBND tỉnh phải chỉ đạo Sở TN-MT thanh tra.

Sở TN-MT tỉnh sau đó đã có kết luận, đối với Dự án nghĩa trang Đồng Khuôn, Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long chưa có thủ tục thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực khai đào nhưng đã tiến hành mở đường, bốc xúc, thu hồi than trên diện tích đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, phá vỡ kết cấu tự nhiên, thu hồi, tập kết than tại thôn 5 xã Quảng La…

Đối với Dự án trang trại trồng cây ăn quả trên địa bàn hai xã Sơn Dương, Dân Chủ, UBND huyện Hoành Bồ cũng đã từng thừa nhận, hoạt động của doanh nghiệp tại khu vực này đều dẫn đến phát lộ than. Thời gian thực hiện dự án kéo dài, tạo nghi ngờ, gây bức xúc trong dư luận. Công tác phối hợp giữ doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện dự án, khu vực xung quanh dự án còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, liên tục ..

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long tại cuộc họp với huyện ngày 24/8. (ảnh CTTĐT Hoành Bồ)


Ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư huyện Hoành Bồ cũng đã yêu cầu doanh nghiệp không khai thác tài nguyên phát lộ, thực hiện đúng theo hồ sơ, thiết kế và giấy phép thực hiện dự án. Doanh nghiệp cần cải thiện hình ảnh, chất lượng, tiến độ dự án.

Một điều khiến dư luận khó hiểu là tại sao một doanh nghiệp cứ “động” đến dự án nào là dự án đó có sai phạm, có xuất lộ than; thậm chí doanh nghiệp đã từng “chống lệnh” của UBND tỉnh để “nhập nhèm” hoạt động khai đào trái phép tài nguyên khoáng sản, nhưng lại được chính quyền ưu ái giao cho làm chủ đầu tư tới 8 dự án, trong đó có những dự án có quy mô chiếm đất lớn, nằm ngay trên các vỉa tài nguyên khoáng sản? Phải chăng huyện Hoành Bồ, tỉnh Quang Ninh đang ưu ái cho doanh nghiệp này thực hiện dự án để có điều kiện tận thu than?

 

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thấy gì qua thương vụ M&A Vinaconex?

Kết quả đấu giá của Vinaconex đặt trong bối cảnh thị trường èo uột, nhưng nhà đầu tư vẫn trả giá chênh gần 2.000 tỷ đồng để “mua bằng được” Vinaconex cho thấy sự quyết tâm của nhà đầu tư này trước quỹ đất hàng triệu m2 của Vinaconex.