Kinh doanh “bết bát”, Lilama Hà Nội tiếp tục bị “bêu tên” nợ tiền sử dụng đất hơn 700 triệu đồng

13/12/2018 09:24

Kinhte&Xahoi Cục thuế TP Hà Nội vừa công khai đợt tháng 12/2018 danh sách 112 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất với số nợ hơn 138 tỷ đồng. Đáng chú ý, Lilama Hà Nội tiếp tục có tên trong danh sách với số nợ hơn 700 triệu đồng.

Nhiều lần bị “bêu tên” nợ thuế, nợ đọng BHXH 

Cục thuế TP Hà Nội vừa công khai đợt tháng 12/2018 danh sách 112 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất với số nợ hơn 138 tỷ đồng. 

Trong đó, có 2 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất là Công ty cổ phần Công trình giao thông 1 (nợ hơn 3,6 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Lilama Hà Nội (nợ 714 triệu đồng). Đây là số nợ tại thời điểm 31/10. 

Đáng chú ý, Lilama Hà Nội là một doanh nghiệp khá quen thuộc, xuất hiện thường xuyên trong danh sách các doanh nghiệp "chây ì" nợ thuế do Cục Thuế TP Hà Nội công bố. 

Đồng thời cũng là doanh nghiệp xuất hiện thường xuyên trong danh sách các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài do cơ quan BHXH TP Hà Nội công bố.

Lilama Hà Nội nhiều lần bị "bêu tên" trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất

Trước đó, trong danh sách công khai đợt tháng 7/2018 các doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất của cục thuế TP Hà Nội, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội cũng “đội sổ” với tổng số nợ cao ngất ngưởng. 

Theo đó, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội dẫn đầu với tổng nợ gần 178 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ thuế phí là 111, 2 tỷ đồng, và 66,8 tỷ đồng nợ tiền sử dụng đất. 

Đáng chú ý, trước đó, doanh nghiệp này cũng từng lọt “danh sách đen” doanh nghiệp nợ BHXH. Cụ thể, hồi đầu tháng 3/2018, Lilama Hà Nội cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, kéo dài từ 6 tháng trở lên do cơ quan BHXH TP Hà Nội công bố (thống kê tính đến ngày 16/2/2018). 

Theo đó, Lilama Hà Nội nợ đọng BHXH của 35 người lao động trong thời gian 52 tháng với tổng số nợ hơn 8,8 33 tỷ đồng.


Kinh doanh “bết bát” dự án “tai tiếng”

Được biết, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội thành lập năm 1960 (trước là Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội). kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây lắp và bất động sản. 

Thời gian gần đây, Lilama Hà Nội không ít lần bị bêu tên về tình trạng nợ nần và thực hiện dự án nhiều tai tiếng. 

Điển hình nhất là những bê bối, tai tiếng tại dự án “Tổ hợp trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở hỗn hợp” do Lilama Hà Nội làm CĐT tại số 52 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). 

Được biết, dự án có tổng số vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 2/2009, gồm 2 tòa tháp 23 tầng, 30 tầng và 17 nhà vườn liền kề thấp tầng. 

Tuy nhiên, Lilama Hà Nội đã xây dựng dự án với tiến độ “èo uột”, để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trường, cùng với đó là tình trạng tài chính “bết bát” của Lilama Hà Nội đã khiến số phận chung cư 52 Lĩnh Nam rơi vào cảnh long đong lận đận và nhiều tai tiếng. 

Dự án 52 Lĩnh Nam nhiều tai tiếng của Lilama Hà Nội.


Cụ thể, thời điểm mở bán dự án, CĐT “hứa” sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào năm 2012 nhưng đến thời điểm bàn giao, các tòa chung cư vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, chưa thể hoàn thành để bàn giao nhà cho khách hàng. 

Thời điểm đó, Lilama Hà Nội đã tổ chức một cuộc gặp gỡ khách hàng và cho biết, doanh nghiệp này không còn khả năng tài chính để hoàn thiện dự án và phải “cầu cứu” Tổng công ty Lilama hỗ trợ tài chính để tiếp tục thi công dự án. 

Những tai tiếng và tranh chấp, khiếu kiện tại dự án tiếp tục kéo dài. Đến năm 2017, sau gần một thập kỷ triển khai thì các căn hộ tại dự án này mới được bàn giao cho khách hàng. 

Tuy nhiên, nhiều hạng mục bên trong vẫn ngổn ngang, chưa được CĐT xây dựng hoàn thiện. Sau khi nhận nhà, những cư dân tại đây phải chịu cảnh ở trong một tòa nhà như một công trường bỏ hoang khiến người dân vô cùng bức xúc... 

Ngoài ra, Lilama Hà Nội còn nhiều lần khác bị “bêu” tên nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế, nợ đọng BHXH với số nợ hàng trăm tỷ đồng đã tố cáo tình trạng kinh doanh “bết bát”, “èo uột” của doanh nghiệp này trong thời gian qua.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thấy gì qua thương vụ M&A Vinaconex?

Kết quả đấu giá của Vinaconex đặt trong bối cảnh thị trường èo uột, nhưng nhà đầu tư vẫn trả giá chênh gần 2.000 tỷ đồng để “mua bằng được” Vinaconex cho thấy sự quyết tâm của nhà đầu tư này trước quỹ đất hàng triệu m2 của Vinaconex.