Làm rõ việc chuyển nhượng tài sản trái phép tại Vinasport

14/12/2018 09:35

Kinhte&Xahoi Tự ý ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư khi chưa có ý kiến của chủ sở hữu phần vốn Nhà nước và nhận 20 tỷ đồng từ đối tác; dàn lãnh đạo cấp cao của Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) đã bị khởi tố và bắt giam.

Bản hợp đồng hợp tác đầu tư chưa có hiệu lực!?

Vinasport là đơn vị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) quản lý. Công ty này đã được cổ phẩn hóa, trong đó Nhà nước nắm giữ 51,32% trên tổng số vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng.Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport là ông Bùi Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Vinasport nắm giữ 30%; Trịnh Quốc Toàn, Phó Tổng Giám đốc nắm 21,32%.

Ngày 31/12/2014, ông Bùi Duy Nghĩa không thông qua HĐQT, chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ VHTTDL (đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại Vinasport), đã tự ý ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông.

Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 được ký nhằm thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội thành Trung tâm thương mại, tổ hợp chung cư. Hai bên cùng nhau lập ra Công ty TNHH Bất động sản An Phú - Hoàng Gia để thực hiện dự án này.

Mặc dù Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 không có ý kiến của Bộ VHTTDL, nhưng Công ty TNHH Bất động sản An Phú - Hoàng Gia vẫn chuyển vào tài khoản của Vinasport số tiền 20 tỷ đồng nhằm mục đích đền bù, hỗ trợ để Vinasport di dời nhà xưởng ra khỏi khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng.

Trong Báo cáo kết quả kiểm tra ngày 25/3/2016 của Thanh tra Bộ VHTTDL đã chỉ rõ: Việc ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông, Vinasport không báo cáo Bộ VHTTDL, Bộ không có văn bản đồng ý hoặc phê duyệt. Công ty chung lập ra (Công ty Bất động sản An Phú - Hoàng Gia) được ký kết trước ngày ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 gần 3 tháng… nên Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 không có hiệu lực.

Việc khắc phục hậu quả của các bị can trong vụ án kinh tế xảy ra tại Vinasport được các cơ quan cho phép. Ảnh minh họa, nguồn CTV

Phi vụ mua Công ty Cao Huân không đảm bảo pháp lý

Trong thời gian từ ngày 31/12/2014 đến ngày 7/5/2015, ông Bùi Duy Nghĩa đã tự ý chỉ đạo chuyển tổng số tiền 15,4 tỷ đồng thông qua 4 ủy nhiệm chi cho ông Nguyễn Cao Hởi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cao Huân (Công ty Cao Huân) để nhận chuyển nhượng lại phần vốn góp tại Công ty này. Do Công ty Cao Huân sở hữu hơn 8.000m2 đất nhà xưởng sản xuất tại Cụm Công nghiệp huyện Thanh Oai.

Tuy nhiên, chủ sở hữu đứng tên phần vốn góp vào Công ty Cao Huân trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là Vinasport, mà mang tên ba cá nhân, gồm: Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn và Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thể thao Bách Hiền. Trong đó, Nguyễn Văn Hiền không phải là người của Vinasport mà chỉ được Bùi Duy Nghĩa nhờ đứng tên hộ một phần vốn góp tại Công ty Cao Huân!?

Với cách thức mua bán như trên, có thể hiểu, tài sản được mua là Công ty Cao Huân không phải là tài sản của Vinasport mà thuộc sở hữu của ba cá nhân.

Do vậy, ngày 25/9/2015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Bùi Duy Nghĩa để điều tra tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và Trịnh Quốc Toàn bị điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra ngày 2/2/2018 chỉ rõ: Việc quyết định mua Công ty Cao Huân, Bùi Duy Nghĩa và Trịnh Quốc Toàn không xin ý kiến của Bộ VHTTDL trước khi thực hiện; không được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VHTTDL, không có báo cáo xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông; không thuê cơ quan có tư cách pháp nhân để thẩm định giá trị tài sản của Công ty Cao Huân mà chỉ dựa trên thông tin khảo sát trên thị trường, trên mạng Internet và tự ý quyết định mua...

“Việc mua Công ty Cao Huân của Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn là trái quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 12 và Điều 31 Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác” - Kết luận điều tra nhấn mạnh.

Các bị can xin bán Công ty Cao Huân để khắc phục hậu quả

Trong quá trình bị điều tra, các cá nhân trên đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả trả lại số tiền 15,4 tỷ đồng bằng cách chuyển nhượng cổ phần đang đứng tên tại Công ty Cao Huân sang cho Công ty Cổ phần dược VIKO8 - Pháp (Công ty VIKO8 - Pháp).

Ngày 14/6/2018, tại Trại giam T16 Bộ Công an, trước sự chứng kiến của Giám thị trại giam Đại tá Bế Quốc Hưng, cùng công chứng viên, bị can Bùi Duy Nghĩa đã thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Cao Huân sang cho đại diện Công ty VIKO8 - Pháp.

Phía Công ty VIKO8 - Pháp cũng đã chuyển vào tài khoản của Vinasport số tiền thanh toán 15,4 tỷ đồng. Toàn bộ việc chuyển nhượng phần vốn góp của các bị can tại Công ty Cao Huân sang cho Công ty VIKO8 - Pháp đã được cơ quan chức năng ghi nhận.

Do vậy, ngày 14/8/2018, thừa lệnh Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Huy Tiến, Kiểm sát viên cao cấp ký quyết định đình chỉ vụ án với lý do: “Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn, và Nguyễn Văn Hiền đã tự nguyện chuyển nhượng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cao Huân cho cá nhân khác và trả lại 15,4 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam, hậu quả đã được khắc phục”.

Tiền đã nhận, nhà máy phải bàn giao

Sau khi nhận 15,4 tỷ đồng, ngày 6/7/2018, lãnh đạo Vinasport đã ký biên bản bàn giao và thỏa thuận mượn lại mặt bằng nhà xưởng của Công ty Cao Huân tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai với Công ty VIKO8 - Pháp trong một thời gian để chuẩn bị nhà xưởng di chuyển máy móc thiết bị.

Chuẩn bị cho việc di dời, ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Vinasport ban hành nhiều quyết định như: Thành lập tổ công tác di dời và đầu tư nhà máy mới; Thành lập ban chỉ đạo di dời nhà máy tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai; Phân công nhiệm vụ trong tổ di dời; Về nghỉ chế độ ngừng việc…

Sau 2 lần xin gia hạn bàn giao, đến ngày 30/10/2018, Vinasport đã bàn giao lại mặt bằng nhà máy tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai cho phía Công ty VIKO8 - Pháp. Toàn bộ máy móc, thiết bị của Vinasport được chuyển về 181 Nguyễn Huy Tưởng. Trong thời gian chờ nhà xưởng mới vận hành đi vào sản xuất, thì cán bộ công nhân viên Vinasport được hưởng lương chờ việc theo quy định pháp luật.

Với toàn bộ những diễn biến sự việc như trên, trao đổi với phóng viên báo Thanh tra, ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Vinasport cho biết: Về bản chất Công ty Cao Huân không phải là tài sản của Vinasport, vì nguồn gốc số tiền dùng để nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty này lấy từ 20 tỷ đồng do Công ty Bất động sản An Phú - Hoàng Gia chuyển vào tài khoản Vinasport dựa trên bản Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02 không có cơ sở pháp lý.

“Việc mua bán Công ty Cao Huân hoàn toàn do một số cá nhân thực hiện. Do vậy, việc Vinasport nhận lại 15,4 tỷ đồng cũng đồng nghĩa với việc phải bàn giao Công ty Cao Huân cho Công ty VIKO8 - Pháp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL” - ông Phạm Quang Anh nhấn mạnh.

Ông Phạm Quang Anh cho biết thêm việc thu hồi 15,4 tỷ đồng do khắc phục hậu quả của các ông Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn, Nguyễn Văn Hiền đã được Đảng ủy Công ty ghi nhận và ban hành Nghị quyết số 75/NQ-ĐUCTTVN ngày 31/8/2018 khẳng định việc người đại diện phần vốn Nhà nước và Ban giám đốc thực hiện thu hồi 15,4 tỷ đồng mà Vinasport đã chuyển để mua Công ty Cao Huân là đúng quy định pháp luật và đúng với sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL.

Ngoài những nội dung được chia sẻ từ người đại diện trước pháp luật của Vinasport Phạm Quang Anh. Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên báo Thanh tra đã liên lạc đặt lịch làm việc với Chủ tịch HĐQT Vinasport Nguyễn Ngọc Thạch, tuy nhiên ông này từ chối với lý do bận việc.

 

Theo Báo Thanh tra/Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thấy gì qua thương vụ M&A Vinaconex?

Kết quả đấu giá của Vinaconex đặt trong bối cảnh thị trường èo uột, nhưng nhà đầu tư vẫn trả giá chênh gần 2.000 tỷ đồng để “mua bằng được” Vinaconex cho thấy sự quyết tâm của nhà đầu tư này trước quỹ đất hàng triệu m2 của Vinaconex.