Linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch

16/06/2021 10:11

Kinhte&Xahoi Những tín hiệu tích cực trong tiêu thụ nông sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước những ngày gần đây cho thấy, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng với diễn biến thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó

Thời điểm vải thiều vào vụ thu hoạch cũng là lúc Bắc Giang trở thành tâm dịch Covid-19. Dù vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, nhờ chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh, vải thiều Bắc Giang đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Mặt khác, tỉnh đã được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ trong nước cũng xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Singapore… Tính đến ngày 10/6, Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 67.000 tấn vải thiều.

Vải thiều Bắc Giang chính thức lên sàn Lazada thông qua 2 gian hàng chính hãng của Vinmart và Foodmap từ ngày 8/6 đến hết tháng 7/2021.

Trong khi đó, tại Hải Dương với kinh nghiệm đúc rút trong khoảng thời gian ứng phó đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương, trong tháng 5/2021, Hải Dương đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến với 131 điểm cầu tại 12 quốc gia, thu hút 300 DN tham gia. Ngay sau hội nghị, vải thiều Hải Dương đã được tiêu thụ ổn định trên các sàn thương mại điện tử.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, ngoài các giải pháp ổn định thị trường nông sản Thủ đô, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối, đưa nông sản của các địa phương gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 vào các kênh phân phối hiện đại.

Đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ 130 tấn gà đồi của tỉnh Hải Dương; 56.000 tấn xoài và 98.000 tấn nhãn của tỉnh Sơn La; 12.000 tấn rau củ, trái cây, thủy sản của các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh…

Mặc dù Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương kết nối tiêu thụ nông sản qua nhiều kênh, xây dựng các kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất - tiêu thụ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính để duy trì các kho lạnh bảo quản nông sản. Đáng nói, năng lực điều tiết, phân luồng nông sản tại các cửa khẩu chưa được cải thiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ nông sản.

 Vải thiều Bắc Giang được bày bán tại siêu thị Vinmart

Tăng cường kết nối tiêu thụ

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng thêm các khu trung chuyển ở khu vực cửa khẩu, giúp giảm chi phí logistics, từ đó giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Đặc biệt, việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã mở ra kênh phân phối hiện đại và hiệu quả tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương, các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, chung sức đưa kênh phân phối này phát triển bền vững, kết nối nhuần nhuyễn chuỗi cung ứng - tiêu thụ.

Đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến, tăng hàm lượng chế biến của nông sản xuất khẩu, từ đó chủ động tiêu thụ nông sản trong mọi tình huống.

Cùng với đó, Bộ sẽ làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ trong nước về việc chuẩn bị thành lập Hiệp hội Tiếp thị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; thiết lập một hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu (xuất xứ, quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm) để cung cấp thường xuyên, công khai tới các hệ thống bán lẻ, phân phối lớn.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, đến ngày 9/6 Bắc Giang đã tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng vải thiều chín sớm

Ở góc độ DN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty là vải thiều Hải Dương, Bắc Giang xuất sang Nhật Bản. Để bảo đảm nguồn vải thiều chất lượng, công ty đã đầu tư nhà máy chế biến tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương). Công ty mong muốn Nhà nước hỗ trợ cộng đồng DN bằng cách quy hoạch vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế và tháo gỡ các vướng mắc về chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ.

Có thể nói với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, DN, chính quyền các địa phương nên đến thời điểm này tình hình tiêu thụ nông sản đã thông suốt, giúp người nông dân bớt khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

 Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hỗ sơ cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu. Đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng nông sản đang vào vụ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

 

 Ánh Ngọc - Theo KTĐT


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vi phạm chứng khoán nhiều cá nhân bị xử phạt

Mới đây, Ủy ban chứng khoán phát đi thông báo về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Có nhiều cá nhân bị xử phạt vì đã có hành vi vi phạm.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/linh-hoat-ket-noi-tieu-thu-nong-san-mua-dich-423721.html