Mê Linh - Hà Nội: Sao chính quyền không xử lý công trình trái phép?

19/12/2018 14:40

Kinhte&Xahoi Theo phản ánh của người dân, tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang tồn tại hàng loạt các công trình xây dựng trái phép nhưng chính quyền vẫn "làm ngơ" gây bức xúc cho người dân.

Mặc dù UBND huyện Mê Linh (TP. Hà Nội) đã ra quyết định dừng ngay các hoạt động sản xuất từ ngày 11/1/2018 để trả lại diện tích đất đúng mục đích và chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên đến nay, Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây dựng Tam Sơn cùng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Phúc Việt vẫn ngang nhiên hoạt động tại xã Tiền Phong. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi "Phải chăng có sự bao che, buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền ở đây?".

Khu nhà xưởng được xây dựng và hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường.

 

Theo phản ánh của người dân, tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang tồn tại hàng loạt các công trình xây dựng trái phép, xây dựng không đúng mục đích sử dụng đất. Không những thế các công trình này còn gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.

Cụ thể, tại khu du lịch sinh thái Thành Đồng, hiện tại đang là trụ sở hoạt động của các cơ sở sản xuất, các công ty: Công ty TNHH Thương mại Thịnh Vượng Phát chuyên sản xuất, in bao bì giấy; Nhà thi đấu cầu lông đa năng lại là xưởng sản xuất và mua bán nhựa phế thải; Nhà thi đấu đa năng lại sản xuất đồ điện; Dự án của Công ty CP Đầu tư Thương mại Tam Sơn lại biến tướng thành các hoạt động sản xuất xưởng cơ khí, gạch không nung, tái chế phế thải nhựa; Công ty CP Đầu tư Xây dựng thương mại Phúc Việt lắp đặt trạm trộn bê tông Asphalt.

Ngày 03/6/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 385/UBND - NN2 về chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực đã giao cho Công ty CP Thương mại và Xây dựng Tam Sơn thuê, với mục đích xây dựng Trung tâm Thương mại đồ gỗ sang xây dựng khu nhà ở. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, dự án này vẫn là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Đáng lo ngại hơn, hiện nay nơi đây đã mọc lên rất nhiều nhà xưởng sản xuất tái chế nhựa, cơ khí... hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường.

Ngay cạnh khu đất dự án của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Tam Sơn là dự án khu giãn dân, nhà vườn sinh thái và khu vui chơi giải trí do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phúc Việt làm chủ đầu tư. Dự án này được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tháng 6/2004, tuy nhiên đến nay dự án vẫn “đắp chiếu”, chưa hề triển khai bất kỳ hạng mục nào. Đã nhiều năm nay, một trạm trộn bê tông Asphant được mọc lên hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.

Dự án khu nhà hàng sinh thái biến thành khu nhà xưởng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ trong ngày 11/01/2018, UBND huyện Mê Linh đã ra 2 công văn để xử lý sự việc trên. Cụ thể, công văn số 139/UBND-TNMT về việc yêu cầu Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây dựng Tam Sơn phải dừng ngay các hoạt động sản xuất: xưởng cơ khí, gạch không nung, nhựa từ ngày 11/01/2018, sử dụng đất đúng mục đích được giao.

Công văn số 140/UBND-TNMT về việc yêu cầu Công ty CP Đầu tư Xây dựng và thương mại Phúc Việt chấm dứt hợp đồng cho thuê đất để lắp đặt trạm trộn bê tông Asphalt. Và Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng Vạn Xuân (Đơn vị thuê đất) phải dừng ngay các hoạt động trạm trộn bê tông Asphalt nằm trong khuôn viên dự án khu biệt thự nhà ở, sinh thái Phúc Việt từ ngày 11/01/2018.

Đồng thời, UBND huyện Mê Linh giao cho UBND xã Tiền Phong giám sát việc chấp hành pháp luật của 2 công ty nói trên, kịp thời báo cáo UBND huyện và các cơ quan ban ngành xử lý vi phạm nếu tiếp tục tái diễn.

Văn bản chỉ đạo là vậy, tuy nhiên cho đến tận thời điểm hiện tại, tình trạng hoạt động trái phép ở nơi đây vẫn diễn ra một cách bình thường như chưa từng có việc bị các cơ quan chức năng xử lý. Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự "thờ ơ" của vị lãnh đạo này.

Ông Phương khẳng định: Từ trước đến nay, chưa hề nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu vực trên. Điều này trái ngược hẳn với việc ông đã từng phát ngôn thừa nhận rằng các đơn vị này hoạt động là trái phép, chưa được các cấp có thẩm quyền cấp bất kì giấy tờ nào.

Khi được hỏi về việc tại sao các công trình xây dựng trái phép lại ngang nhiên được xây dựng và hoạt động một thời gian dài mà không bị xử lí triệt để, ông Phương phân trần: “Phía xã cũng đã nhiều lần tiến hành xử phạt nhưng do quyền hạn còn hạn chế nên đang chờ ý kiến chỉ đạo của huyện”.

Hiện nay, trong địa bàn xã Tiền Phong còn rất nhiều dự án đã được phê duyệt. Tuy nhiên hầu hết các dự án này đều chưa được triển khai. Điều này đã biến nhiều nơi thành bỏ không để các đơn vị lợi dụng đất xây dựng và kinh doanh trái phép một cách vô tư. Dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương hay có sự “bảo kê” ở đây thì các đơn vị kia mới dám ngang nhiên như thế bất chấp đã có công văn của UBND huyện Mê Linh?

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản

Mặc dù đã chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử song tài sản của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài - ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần.