Mỹ phẩm Kami Skin và chiêu trò “đánh lận con đen”?

28/12/2018 14:20

Kinhte&Xahoi Tên gọi in trên bao bì của sản phẩm và tên in trên sản phẩm không giống nhau, quảng cáo như thuốc đặc trị, mỹ phẩm Kami Skin có đang “qua mặt” các cơ quan chức năng, “đánh lừa” người tiêu dùng?

Treo đầu dê bán thịt chó?

Thời gian qua, tòa soạn nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về sản phẩm mỹ phẩm Kami Skin của Công ty TNHH KI VI Việt Nam (địa chỉ tại: 72 Đường số 17B, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), không có thông tin nhà máy sản xuất, nhà phân phối sản phẩm. Chính điều này khiến người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng của sản phẩm, liệu rằng khi sử dụng mỹ phẩm của thương hiệu Kami Skin có đảm bảo an toàn?

Để tìm hiểu thông tin người tiêu dùng phản ánh, PV đã đặt mua sản phẩm Anti Melasma Cream N3 (Kem đặc trị nám) trên website: https://myphamkamiskin.com, với giá 550 nghìn đồng. Sau khi nhận được sản phẩm, đúng như người tiêu dùng phản ánh, sản phẩm mỹ phẩm của thương hiệu Kami Skin không có địa chỉ nhà máy sản xuất, cũng không có địa chỉ nhà phân phối sản phẩm.

Sản phẩm mỹ phẩm của thương hiệu Kami Skin không có địa chỉ nhà máy sản xuất.

 

Điều khiến PV bất ngờ hơn là khi mở hộp sản phẩm mỹ phẩm Anti Melasma Cream N3, tên gọi được in trên sản phẩm không giống với tên gọi được in trên bao bì. Cụ thể, bao bì của sản phẩm được in với tên gọi Anti Melasma Cream N3, trong khi đó, tên được in trên sản phẩm lại là Alti Melasma Cream K3.

Bao bì của sản phẩm được in với tên gọi Anti Melasma Cream N3 nhưng tên được in trên sản phẩm lại là Alti Melasma Cream K3.

 

Nhận thấy sự không tương đồng về sản phẩm, PV đã liên hệ với số hotline trên website và được nhân viên tại đây cho biết, sản phẩm có tên gọi là Anti Melasma Cream K3, việc không đồng nhất tên gọi trên bao bì với trên sản phẩm là do công ty thay đổi mẫu mã bao bì. “Thay đổi bao bì để nhìn đẹp hơn, chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo”, nhân viên này trấn an PV.

Ngoài ra, PV cũng thử tìm kiếm trên Google thông tin sản phẩm có tên Anti Melasma Cream N3 nhưng cũng không có kết quả. Đáng nói, những website bán sản phẩm của thương hiệu này cũng không hề có sản phẩm nào tên như vậy.

Phải chăng, Công ty TNHH KI VI Việt Nam đang cố tình “đánh lừa” người tiêu dùng, “qua mặt” các cơ quan chức năng để bán sản phẩm ra thị trường?

Quảng cáo như thuốc đặc trị?

Dù chỉ là mỹ phẩm nhưng sản phẩm Anti Melasma Cream K3 của thương hiệu Kami Skin lại được quảng cáo như thuốc đặc trị, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm.

Cụ thể, tại website https://myphamkamiskin.com, sản phẩm Anti Melasma Cream K3 được quảng cáo như “thần dược”: Đặc trị nám, tàn nhang, trị dứt điểm nám, tàn nhang do bẩm sinh, tác động của môi trường và sau khi sinh con hay các chất độc hại. Trị mụn trứng cá, vết thâm đen để lại sau mụn. Ngăn ngừa lão hóa, cho làn da luôn trắng sáng, căng mịn.

Hơn thế nữa, Anti Melasma Cream K3 là đáp án cho làn da không tì vết, không nám, không tàn nhang. Đừng lãng phí thời gian để cố gắng để che đậy những đốm nám, tàn nhang và nhược điểm đáng ghét. Hãy nhanh chóng tiêu diện chúng ngay làn da sáng đẹp hơn với Anti Melasma Cream K3.

Ngoài ra, sản phẩm này còn được quảng cáo rầm rộ trên các fanpage Facebook như: Với kinh nghiệm 5 năm và tư vấn cho vô số khách hàng thì Kami Skin chính là sản phẩm trị nám bán chạy và được lòng chị em nhất. Cam kết 100% sẽ có hiệu quả hết nám nắng, 80 - 90% nám máu, và mụn trứng cá, đồi mồi, tàn nhang.

 

Công dụng của mỹ phẩm Kami Skin còn được các fanpage Facebook này “tung hô” như: Được chiết xuất từ những thành phần thiên nhiên như thảo linh chi, củ sâm quy, tinh chất nghệ, mật ong, nha đam, dịch nhầy của ốc sên... có hàm lượng cao kết hợp cùng các hạt trân châu ngọc trai giúp trị nám, tái tạo và làm trắng da. Kami Skin giúp chị em diệt tận gốc và không gây kích ứng da, không tái lại, không phụ thuộc sản phẩm khi ngưng dùng.

 

Căn cứ theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “đặc trị, trị” để quảng cáo.

Ngoài ra, Thông tư 06/2011/TT- BYT, ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Như vậy, việc sử dụng các công dụng “đặc trị, trị” để quảng cáo cho mỹ phẩm của mình, Công ty TNHH KI VI Việt Nam cùng các cá nhân có liên quan phải chăng đang cố tình “lách luật” nhằm “đánh lừa”, gây nhầm lẫn cho người tiêu để nâng cao giá trị sản phẩm của mình và thu hút người mua?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Theo GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Miệt mài dốc vốn vào Vinaconex, An Quý Hưng có “sập nguồn” vì nhà đầu tư bí ẩn?

Đến thời điểm hiện tại, An Quý Hưng (AQH) đang “ngồi trên đống lửa” khi các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) ra thị trường. Vậy, nếu An Quý Hưng tuột mất số cổ phần này, e rằng thế đứng “vững như bàn thạch” của AQH sẽ bị lung lay.

Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản

Mặc dù đã chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử song tài sản của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài - ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần.