Nabi Skin & Spa: Bát nháo từ quảng cáo đến thực hiện dịch vụ

04/01/2019 09:46

Kinhte&Xahoi Quảng cáo rầm rộ, thực hiện các dịch vụ xâm lấn cơ thể không được cấp phép nhưng Nabi Skin & Spa vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị cơ quan quản lý phát hiện?

Theo phản ánh, cơ sở Nabi Skin & Spa tại số 179C Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là hệ thống hoạt động với ngành, nghề kinh doanh thực hiện các dịch vụ làm đẹp: chăm sóc da, massage thông thường,… (không xâm lấn cơ thể).

Cơ sở Nabi Skin & Spa tại số 179C Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

 

Tuy nhiên, hiện nay hàng loạt video kèm theo hình ảnh mà Nabi Skin & Spa quảng cáo đến khách hàng là những dịch vụ như: lăn kim tinh chất vàng Ampule, hạ thấp gò má – tạo mặt Vline, căng chỉ omega V, Skincool nâng cơ, nâng mũi không phẫu thuật, làm đầy bằng Filler – botox, tiêm hoocmon spring time Hàn Quốc, truyền trắng Hàn Quốc,…

Với hình thức quảng cáo trên website http://nabibeauty.com/# và fangage facebook  https://www.facebook.com/nabibeauty  của Nabi Skin & Spa, cơ sở này đang tràn lan những dịch vụ không được Sở Y tế cấp phép, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu lừa dối khách hàng.

 

Nabi Skin & Spa quảng cáo nhiều dịch vụ xâm lấn cơ thể.

 

Hơn thế nữa, Nabi Skin & Spa còn quảng cáo với các mỹ từ “Mang đến cho khách hàng Việt Nam công nghệ thẩm mỹ tiên tiến hàng đầu Châu Á, Nabi Skin & Spa kết hợp cùng thương hiệu Springtime là lựa chọn hàng đầu của khách hàng yêu cái đẹp, thu hút khách hàng”.

Với các nội dung quảng cáo như trên, cơ sở Nabi Skin & Spa có dấu hiệu vi phạm hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo theo Khoản 11, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 và khoản 2, điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc một số từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vi phạm có mức phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.”

Đối với các cơ sở Spa thì quá trình thực hiện những dịch vụ xâm lấn cơ thể, mang lại rủi ro cao, đe dọa sức khỏe khách hàng như: lăn kim, truyền dưỡng chất, truyền trắng, tiêm hoocmon,… Mọi dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ làm thay đổi hình dáng, màu sắc của cơ thể như trên đều phải có giấy phép của Sở y tế chứ không đơn thuần là cấp giấy phép kinh doanh chăm sóc da mặt.

Quy định cũng nêu rõ: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp phải là người tốt nghiệp trung cấp y tế trở lên có chứng chỉ hành nghề, có thời gian khám, chữa bệnh về tiêm (chích) thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp ít nhất là 45 tháng. Việc phân công hoạt động cần phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với dịch vụ truyền trắng, hiện tại không được Sở Y tế Hà Nội và các Sở Y tế trên cả nước cấp phép hoạt động cho bất cứ Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nào. Đây là quy định cụ thể tại Thông tư số 41/2011 "Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, khi khách hàng muốn sử dụng dịch vụ truyền trắng thì được nhân viên của Nabi Skin & Spa tư vấn “Tiêm trắng là kỹ thuật viên làm”. Đáng nguy hại khi dung dịch truyền chưa xác định được chủng loại, nguồn gốc xuất xứ.

 

Để làm rõ phản ánh, phóng viên đã đặt lịch làm việc với cơ sở Nabi Skin & Spa. Tuy nhiên, sau nhiều ngày cơ sở vẫn không phản hồi, giấy giới thiệu cũng hết thời hạn, phóng viên đã liên hệ với chị Hoài – quản lý của cơ sở Nabi Skin & Spa và nhận được câu trả lời: “Chị dạo này bận lắm chưa sắp xếp được đâu, với lại chồng chị làm ở công an phường Mai Động, anh ấy bảo là bên em không có thẩm quyền gì để yêu cầu bên chị xuất trình giấy tờ cả”.

Chị Hoài cũng khẳng định: “Bên chị có làm gì đâu, chỉ làm Spa chăm sóc da thôi”. Tuy nhiên, câu trả lời mà chị Hoài trao đổi với phóng viên qua điện thoại hoàn toàn mâu thuẫn với những hình ảnh và video quảng cáo trên website của cơ sở này.

Điều đáng nói, cơ sở vẫn tư vấn rất nhiệt tình cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ xâm lấn và mời khách hàng qua cơ sở bất cứ lúc nào. Rõ ràng đây là hành vi vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của pháp luật, coi thường sức khỏe và tính mạng của khách hàng.

Câu hỏi được đặt ra là: Trong trường hợp xấu xảy ra, Nabi Skin & Spa liệu có đủ chuyên môn và các thiết bị để cấp cứu nạn nhân kịp thời? Tính mạng khách hàng rồi sẽ ra sao? Hoạt động như một phòng khám, chữa bệnh trong khi chưa được cấp phép, phải chăng Nabi Skin & Spa đang ngang nhiên thách thức chính quyền và dư luận?

Công luận đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng và quản lý về vấn đề này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 

Theo HATAP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Miệt mài dốc vốn vào Vinaconex, An Quý Hưng có “sập nguồn” vì nhà đầu tư bí ẩn?

Đến thời điểm hiện tại, An Quý Hưng (AQH) đang “ngồi trên đống lửa” khi các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) ra thị trường. Vậy, nếu An Quý Hưng tuột mất số cổ phần này, e rằng thế đứng “vững như bàn thạch” của AQH sẽ bị lung lay.

Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản

Mặc dù đã chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử song tài sản của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài - ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần.