Nguy cơ mất an toàn từ bãi đổ thải của công ty Than Khánh Hòa

24/08/2018 10:30

Kinhte&Xahoi Nguy cơ sạt lở đất đá từ bãi đổ thải ngày một cao của công ty Than Khánh Hòa đang khiến người dân vô cùng lo sợ.

Nhiều hộ dân xã Phúc Hà (TP Thái Nguyên) sinh sống sát khu vực bãi thải của Công ty Than Khánh Hòa (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc – Vinacomin) hiện đang rất bất an về nguy cơ sạt lở đất đá từ bãi thải rơi xuống có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt hiện đang trong mùa mưa lũ. Kèm theo đó là ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ việc nổ mìn khai thác than và hàng chục lượt xe chạy đổ thải mỗi ngày.

Thực tế từ trên cao nhìn xuống, bãi đổ thải như “nuốt chửng và tạo thành bức tường thành cao lớn bao phủ toàn bộ các hộ dân thuộc xóm 4,5,12,13 của xã Phúc Hà. Nhiều đoạn đường vào các xóm, đất đá từ bãi thải trôi xuống tận mép đường, có đoạn gần nhất chỉ cách nhà dân chưa đến 10m. Điều đáng nói, nhiều năm nay người dân xung quanh bãi đổ thải ngoài mối lo bãi đổ thải có thể sạt lở bất cứ lúc nào còn phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường, khói bụi than bay mù mịt bám vào các đồ vật trong nhà, nhà cửa xuất hiện hiện tượng sụt lún, nứt tường.

Bãi đổ thải nằm sát con đường dân sinh cao quá tầm mắt gây nguy cơ mất an toàn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Văn Hùng, xóm 12 bức xúc: Gia đình tôi sinh sống nhiều năm tại đây, trước bãi thải còn cách xa khoảng 200m, sau do lượng đổ thải ngày càng nhiều nên giờ chỉ còn cách vài chục mét, con suối chạy qua nhà tôi và nhiều hộ khác xuôi xuống cầu Tân Long và chảy về sông Cầu thì nay lại bị Công ty Than Khánh Hòa "nắn" cho chảy ngược lên xã An Khánh, huyện Đại Từ, gây bít tắc dòng chảy, nước không kịp thoát mỗi khi mưa to là nước dềnh lên, gây ra cảnh ngập lụt, ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt.

Bà Hoàng Thị Đào, xóm 13 cho biết thêm: “Trước cửa nhà là đường dân sinh, đứng từ dưới cổng nhà có thể quan sát được đoàn xe nườm nượp chạy trên đỉnh bãi thải, nổ mìn đến 2,3 lần/ngày làm nứt nhà, người già và các cháu nhỏ giật mình thon thót, bụi than dính đen đầy quần áo và các đồ đạc trong gia đình… Đã có mấy đợt giải tỏa đền bù và di chuyển dân vào khu tái định cư nhưng bãi đổ thải ngày càng xâm lấn sâu vào sát các hộ còn lại. Trời mưa đã xuất hiện dấu hiệu sụt lún dọc theo chân bãi thải trên xóm 12 khiến chúng tôi không khỏi lo lắng”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, bãi đổ thải trên chỉ quy định được phép đổ thải ở độ cao 190m, nhưng hiện nay có nơi cao gần 300 gấp đôi độ cao quy định và không có dấu hiệu ngừng lại. Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, quy định khoảng cách từ nhà dân đến chân bãi thải là 200m, tuy nhiên thực tế ở đây còn rất nhiều nhà chỉ cách khoảng 30m.

Người dân đang chỉ cho phóng viên vết nứt tường do nổ mìn khai thác than gây ra.

Ông Nguyễn Th. S sinh sống tại xóm 5 cho biết: “Nhà tôi trước sinh sống ở khu vực phía Bắc bãi đổ thải, nhưng sau do được đền bù từ đời bố tôi nên chuyển về phía Nam bãi đổ thải sinh sống. Cũng chỉ dám dựng lều tạm bợ để trông coi vườn tược và nuôi mấy lồng ong, chứ tình trạng nổ mìn diễn ra thường xuyên, đêm đang ngủ cảm tưởng tiếng nổ nhấc mái nhà lên, lo lắng nhất là nguy cơ sạt lở ban ngày còn biết mà chạy chứ nếu đêm mà lở đất đá chúng tôi cũng không biết trở tay thế nào”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường và mất an toàn tại khu vực xung quanh bãi thải của Công ty Than Khánh Hòa diễn ra thời gian dài làm cho người dân sinh sống xung quanh đây rất bức xúc. Các hộ dân đã nhiều lần làm đơn kêu cứu gửi các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để khi mà bãi đổ thải ngày càng cao vượt quá mức quy định và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: Hiện nay Công ty Khánh Hòa là đơn vị có diện tích khai thác và đổ thải lớn nhất, chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên của xã Phúc Hà (gần 300ha). Việc nổ mìn do Công ty Than Khánh Hòa thuê Công ty Hóa chất mỏ Việt Bắc thực hiện, dư chấn nổ mìn hiện nay không còn nhiều.

Đối với tình trạng sụt lún hay ô nhiễm xã cũng đã nhiều lần tiếp nhận đơn của người dân phản ánh từ nhiều năm nay nhưng với thẩm quyền của mình cũng chỉ biết kiến nghị lên UBND thành phố và các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, lụt bão đồng thời nhắc nhở nhiều lần đối với đại diện công ty. Chỉ huy phòng chống thiên tai kết hợp với UBND xã thường xuyên theo dõi diễn biến và chỉ cần có biểu hiện sạt lở là sẽ kiến nghị phương án di dời ngay.

Gần đây nhất, ngày 13/8 đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên dẫn đầu đã về làm việc và tiến hành đo đạc lập phương án di dời đối với các hộ dân xóm 12. Việc di dời sẽ sớm được lên phương án và triển khai trong thời gian sớm nhất. Thực tế đã có nhiều đợt di dời đối với các hộ dân sinh sống gần khu vực mỏ về khu tái định cư, nhưng đa phần các hộ nhần được tiền đền bù và đi nơi khác nên khu tái định cư đến giờ vẫn còn trống rất nhiều suất.

Từ thực tế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại khu vực bãi đổ thải gây ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống của người dân xung quanh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và công ty chủ quản bãi thải cần khảo sát kĩ tình hình và đưa ra phương án khắc phục, đảm bảo cho người dân yên tâm sinh sống và làm việc.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM