Nợ công 3,5 triệu tỷ đồng, quên 60 tỷ USD 'ngủ yên' trong két

27/08/2018 14:51

Kinhte&Xahoi Nợ công cao trong khi tiền làm ra chưa đủ để đầu tư nên Việt Nam sẽ tiếp tục phải vay thêm. Nhưng vốn vay nước ngoài ngày càng đắt đỏ, vậy phải đi vay ở đâu để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không ngừng tăng lên? Đây là lúc Việt Nam phải lựa chọn, cân đo cho phù hợp.

Vay nước ngoài ngày càng đắt

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA cho thấy, năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017.

Như vậy, từ chỗ mỗi người dân chỉ "gánh" 31 triệu đồng nợ công vào năm 2017, thì đến 2018 dự kiến con số này sẽ tăng thêm 4 triệu đồng, lên 35 triệu đồng.

Do nhu cầu đầu tư vẫn tăng cao, trong khi tiền làm ra còn chỉ đủ chi thường xuyên, cho nên việc Chính phủ vay tiền đầu tư chưa thể dừng lại.

Nợ công ngày càng nhiều.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000-380.000 tỷ đồng. Cụ thể, nợ công năm 2019 dự kiến tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020.

Thời gian tới, thay vì vay vốn ODA như trước, Việt Nam sẽ phải tìm nguồn vốn vay thông thường (OCR) của Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn vay IBRD của Ngân hàng Thế giới. Tất nhiên, mức lãi suất kém ưu đãi hơn nhiều so với ODA.

Khi so sánh mức lãi suất giữa hai nguồn kể trên với vay trong nước bằng huy động vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng: Ngay cả khi chi phí huy động trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp chưa từng có từ trước đến nay và có tính đến các yếu tố rủi ro về tỷ giá, thì huy động bằng nguồn IBRD và OCR vẫn là phương án tài chính cạnh tranh cho Chính phủ.

Dù rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thừa nhận lãi suất vay IBRD và OCR đang tăng và chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái nên “lãi suất các khoản vay này không chiếm ưu thế về chi phí so với nguồn vốn huy động trong nước”. Tuy nhiên, các lợi ích đi kèm cố vấn chính sách, chia sẻ tri thức, học hỏi kinh nghiệm... khi vay các nguồn vốn này vẫn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao.

Thực tế, tính toán của Bộ Tài chính về nguồn vốn vay Nhật Bản cho thấy, khi Việt Nam thành nước thu nhập trung bình, vốn vay Nhật Bản dành cho Việt Nam cũng “đắt đỏ” hơn và có nhiều điều kiện đòi hỏi cao hơn.

Từ ngày 1/10/2017, Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh giảm mức ưu đãi, tăng lãi suất cho vay đối với Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, lãi suất vay thông thường tăng từ 1,2% lên 1,5%, lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục y tế, dạy nghề, môi trường, biến đổi khí hậu tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm.

Nhu cầu vay để đầu tư còn rất lớn, song còn nhiều khoản vay chưa thực sự hiệu quả.

Vay trong nước: 60 tỷ USD bị "ngủ quên"

Bên cạnh vốn vay nước ngoài, nhiều năm gần đây, Chính phủ chủ trương vay từ nguồn trong nước, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, ngoài ra còn vay Quỹ bảo hiểm xã hội...

Chính phủ đã tăng cường vay trong nước, từ mức 235 nghìn tỷ của năm 2011 thì con số này đã lên đến 342 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Trong khi đó, vay nước ngoài có xu hướng giảm. Một phần vì Việt Nam đã thành nước thu nhập trung bình nên lượng vay ODA giảm, chỉ có thể vay ưu đãi với chi phí cao hơn.

Tại báo cáo về tình hình vay nợ của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo: Nếu dựa quá nhiều vào vay trong nước (thông qua trái phiếu) thì lại làm tăng rủi ro về lãi suất của Chính phủ. Với hơn 50% trái phiếu Chính phủ do các ngân hàng thương mại trong nước nắm giữ cũng gây thêm rủi ro khác nữa cho hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính Bộ Tài chính cho rằng: "Tôi khẳng định, việc mua trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại không ảnh hưởng đến đến hoạt động cho vay của các ngân hàng".

Cụ thể, ngân hàng nắm giữ trái phiếu Chính phủ với hai mục tiêu: một là mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời; hai là mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các ngân hàng luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của ngân hàng.

“Như vậy, việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng vừa đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh vừa tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi trong phạm vi an toàn của NHNN. Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ cũng là công cụ hỗ trợ để NHNN điều hành chính sách tiền tệ như thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn.

Bà Hiền cũng cho hay: Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP.

Trong khi đang phải tính toán các nguồn vay vốn thì nhiều chuyên gia đã nhắc đến việc huy động nguồn lực trong dân.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra sáng 21/8, ông Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.

Vì thế, chuyên gia WB gợi ý cần nghĩ cách để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn.

Theo Vietnamnet/KD&PL

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM