Phòng khám đa khoa Thành Đô có nhiều bất thường trong công tác KCB

24/12/2018 16:22

Kinhte&Xahoi Trao nhầm kết quả khám bệnh, xét nghiệm “thần tốc” khiến người bệnh hoang mang. Bảng giá dịch vụ mập mờ…Hàng loạt quy trình tại phòng khám Thành Đô- Bắc Ninh có dấu hiệu sai phạm.

Cuối tháng 11/2018 vừa qua tại Phòng khám Đa khoa Thành Đô (thuộc Công ty CP Bệnh viện Bắc Ninh) đã xảy ra sự việc anh Nguyễn Xuân Tr. đến khám tại đây và bị “trao nhầm” kết quả xét nghiệm với một nữ bệnh nhân khác tên Phùng Thị Trang. Dẫn đến việc anh “được” kết luận bị bệnh lậu cầu và phải điều trị 5 ngày liên tiếp với chi phí 1,3 triệu đồng tiền thuốc tiêm mỗi ngày.

Những điều đáng ngờ trong công tác khám chữa bệnh tại phòng khám

Để làm rõ về cung cách làm việc dẫn đến sai sót trên, PV đã vào vai bệnh nhân và đến cơ sở này để khám chữa bệnh. Tại đây, PV đã đi từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác.

PV sử dụng nước chè thay cho nước tiểu để làm xét nghiệm, kết quả vẫn ra thông số bình thường

 

Việc bệnh nhân được khuyến cáo không được ăn sáng, đặc biệt là tuyệt đối  không được sử dụng các loại đồ ăn uống có chất kích thích khi tiến hành xét nghiệm sinh hóa máu để có được kết quả chính xác, thì các y bác sĩ ở Phòng khám Đa khoa Thành Đô, lại “quên” “ không căn dặn và hỏi lại bệnh nhân trước trước khi làm dịch vụ… đồng thời cũng “quên” luôn cả việc đo huyết áp cho bệnh nhân khi thăm khám. Và điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là sau khi đã cố tình sử dụng bia và cà phê để thay đổi các thông số máu và sử dụng nước máy thay cho nước tiểu, PV lại nhận được kết quả với các thông số hoàn toàn bình thường.

 

Ngoài ra, thời gian để cho ra kết quả xét nghiệm ngắn hơn thời gian cần thiết (21 phút so với 45-60 phút) khi cho ra kết quả của tổng cộng 11 loại đầu mục xét nghiệm, bao gồm cả siêu âm là điều bất thường đáng lưu tâm nhất.

Một điều đáng nói khác là việc các phiếu kết quả lẫn điều trị đều được “đóng dấu đỏ” tên của bác sĩ Nguyễn Văn Trịnh mà không có chữ ký. Phải chăng bác sĩ Trịnh là người thực hiện việc khám, chữa bệnh từ A đến Z cho các bệnh nhân hay chỉ đứng danh trên giấy? Trên thực tế, khi đến khám tại Phòng khám Đa khoa Thành Đô, dù rất để ý quan sát và hỏi thăm, nhưng PV chưa được gặp hay khám bởi bác sĩ Trịnh lần nào, mà chỉ biết đến bác sĩ này thông qua con dấu đỏ trên tờ kết quả.

Ngoài ra PV cũng không hề thấy có bất cứ bảng giá dịch vụ nào theo quy định của Bộ y Tế được thông báo công khại tại phòng khám này.

Những câu trả lời của Lãnh đạo phòng khám

PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Thái Ba – Giám đốc phòng khám Thành Đô để giải đáp những thắc mắc trên. Ông Ba cho biết: Phòng khám Thành Đô có bảng giá dịch vụ theo quy định của Bộ y Tế  tuy nhiên bảng giá không được treo công khai mà được thể hiện dưới dạng sổ do nhân viên tư vấn trực tiếp cho khách hàng.

Ông Phạm Thái Ba - Giám đốc phòng khám Thành Đô làm việc với PV

 

Theo ông Ba, bác sĩ đang làm việc tại phòng khám mỗi khoa có một bác sĩ làm trưởng khoa và đều có chứng chỉ hành nghề còn lại là nhân viên phòng khám và nhân viên truyền thông tuy nhiên tất cả đều có chứng chỉ về y dược. Việc bác sĩ Nguyễn Văn Trịnh có tên trên kết quả xét nghiệm là do bác sĩ Trịnh là trưởng khoa xét nghiệm và chịu trách nhiệm mọi vấn đề liên quan đến kết quả xét nghiệm. Còn việc mẫu thử cho kết quả thử nước chè mà cho ra các thông số bình thường theo ông Ba giải thích rằng: "Bất cứ mẫu thử nào cũng đều cho kết quả vì đó là phân tích của máy".

Tuy nhiên nước chè không thể cho ra thông số như nước tiểu và khi PV đặt câu hỏi về việc liệu với kết quả xét nghiệm của nước chè thì bác sĩ ra kết luận bệnh nhân có bệnh và cần điều trị là đúng hay sai thì ông Ba đưa ra những lý lẽ và những câu trả lời chung chung và thiếu thuyết phục. Ngoài ra ông Ba còn khẳng định dịch vụ phá thai của phòng khám đã được cấp phép và toàn bộ những loại thuốc men điều trị cho bệnh nhân tại phòng khám đều có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu và được lưu hành theo quy định của Bộ y tế.

Vậy những hoạt động khám chữa bệnh thiếu chuyên môn của phòng khám Thành Đô có sai phạm hay không? Và những lời khẳng định của ông Phạm Thái Ba có thật sự đáng tin cậy trong khi cách vận hành một phòng khám còn sai quy trình?

PV sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 

Theo Khoẻ 365/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản

Mặc dù đã chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử song tài sản của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài - ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần.