Quyết liệt dập tắt các chiêu trò phá hoại bầu cử trên mạng

22/05/2021 14:05

Kinhte&Xahoi Trước và trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bất đồng chính kiến trên môi trường mạng tăng mạnh theo từng ngày.

Lợi dụng tính lan truyền nhanh và khó kiểm soát của mạng xã hội, những đối tượng này không ngừng tung ra các thông tin xấu, độc nhằm phá hoại sự kiện trọng đại của đất nước.

Đủ loại thủ đoạn chống phá

Chiêu trò thường thấy trong dịp này của các đối tượng chống đối là phối hợp với những trang báo có cái nhìn tiêu cực về Việt Nam nhằm thực hiện phỏng vấn, bàn tròn để phân tích về tình hình cuộc bầu cử trong nước nhưng luôn cài cắm những thông tin xuyên tạc, không được kiểm chứng nhằm mục đích phá hoại.

Bên cạnh đó, cũng có hàng loạt các trang mạng với giao diện tương tự báo chính thống trong nước được lập ra để đăng tải nội dung tiêu cực về tình hình nhân sự nhằm đánh lừa người xem, từ đó tiêm nhiễm tư tưởng chống đối, bất mãn.

Quyết liệt dập tắt các chiêu trò phá hoại bầu cử trên mạng.

Không chỉ dừng lại ở việc tung tin xấu độc, các thế lực muốn phá hoại hoạt động bầu cử còn tăng cường các cuộc tấn công mạng vào website của những cơ quan Nhà nước trong dịp này. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2021 đến nay, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam đang có xu hướng tăng với 1.271 cuộc tấn công chỉ trong 3 tháng đầu năm, trong đó tấn công thay đổi giao diện chiếm 199 vụ.

Đáng chú ý, vào tháng 4/2021, Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về một nhóm tin tặc đang thực hiện chiến dịch xâm nhập vào máy tính của các cơ quan Chính phủ. Cũng trong năm 2021, đã có nhiều nhóm tin tặc được hậu thuẫn với nguồn lực lớn để thực hiện các chiến dịch tấn công như trên đã bị phát hiện.

Nói về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Trưởng Phòng Bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin quốc gia, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) nhận định, càng gần thời điểm bầu cử, các cuộc tấn công mạng vào hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước càng tăng mạnh. Thủ đoạn thường thấy của tin tặc là tập trung tấn công vào cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước trước như Cổng thông tin điện tử Quốc hội, chuyên trang của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Với phương thức phổ biến là tấn công từ chối dịch vụ, tin tặc sẽ khiến việc truy cập vào những website trên khó khăn ở nhiều thời điểm, qua đó làm gián đoạn việc tìm hiểu thông tin chính thống của người dân.

Ngoài ra, tin tặc còn tấn công vào các địa chỉ website quan trọng, sau đó thay đổi giao diện, đăng tải thông tin không chính xác, xấu độc về bầu cử, hạ uy tín các đại biểu ứng cử. Không chỉ vậy, chúng còn sử dụng email, mạng xã hội nhằm phát tán mã độc núp bóng dưới nội dung liên quan tới bầu cử để thu hút sự chú ý và khi người dùng vào xem sẽ bị lây nhiễm mã độc. Các công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng nằm trong nhóm trọng điểm tấn công, nếu thành công, nhiều khả năng tin tặc sẽ chiếm được những nội dung quan trọng, từ đó sử dụng để phá hoại bầu cử.

Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm, C50 đã tăng cường lực lượng trực chiến, sẵn sàng ứng cứu mỗi khi có sự cố an ninh mạng xảy ra. Chủ động phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước để tiến hành rà soát từ trước các lỗ hổng bảo mật qua đó khắc phục ngay. Xây dựng trước quy trình phòng, chống, ứng cứu đối với các cơ quan nhằm có kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố mất an toàn thông tin, Trung tá Nguyễn Đức Dũng nói.

Mọi hành vi chống phá bầu cử đều phải trả giá

Có thể khẳng định, từ công tác tổ chức bầu cử cho đến quy trình lựa chọn ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và HĐND ở Việt Nam hoàn toàn đúng pháp luật, minh bạch, công khai và dân chủ. Đồng thời, việc tham gia bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật. Do đó, mọi hoạt động chống phá, đăng tải thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, hô hào người dân đi ngược với đường lối của Đảng và Nhà nước thường thấy trong giai đoạn bầu cử vừa qua là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong số những đối tượng nổi bật về hoạt động chống phá Nhà nước trong những năm qua, có thể kể đến hai cái tên tiêu biểu là Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh, đây cũng là những người mượn danh "tự ứng cử" để tích cực phá hoại bầu cử. Được biết, Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh là những đối tượng khá nổi tiếng trong cộng đồng những người tự cho mình là "nhà dân chủ". Từ nhiều năm qua, hai người này đã thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải bài viết, livestream với mục đích ăn theo các sự kiện xã hội để nói xấu chính quyền, đưa ra nhận định méo mó, sai sự thật về các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Cũng trong thời gian diễn ra bầu cử, Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh đã tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng bị loại vì không đủ điều kiện. Từ đó chúng liên tục có những hành vi, phát ngôn phỉ báng chính quyền, chống phá Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, kêu gọi người dân không tham gia bầu cử. Thậm chí, để đánh bóng tên tuổi của mình, Lê Trọng Hùng còn mở hẳn một kênh truyền hình trên Youtube cũng như mạo danh “nhà báo tự do” để lan truyền tư tưởng phá hoại bầu cử tới người xem.

Với những hành vi vi phạm pháp luật không chỉ trong đợt bầu cử mà đã kéo dài nhiều năm, Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh đã phải trả giá cho những hành động của mình. Vào ngày 27/3 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can đối với Lê Trọng Hùng (sinh năm 1979; nơi ở số 9A, ngách 325/59 Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trước đó, ngày 10/3, Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Quốc Khánh (61 tuổi, quê ở xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về tội danh tương tự.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hiện đang có nhiều bộ luật, nghị định quy định rõ hành vi cũng như mức xử phạt kèm theo đối với các cá nhân, tổ chức có các hoạt động chống phá cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, theo quy định của Luật An ninh mạng và các Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, internet thì các đối tượng lợi dụng môi trường internet, mạng xã hội nhằm lan truyền thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chưa được kiểm chứng về bầu cử sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến 20 triệu đồng, ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là buộc phải gỡ bỏ những thông tin sai lệch trên.

Còn nếu hành vi nói trên được thực hiện với mục đích là gây cản trở cho hoạt động bầu cử, ứng cử của công dân thì căn cứ theo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng như Bộ luật Hình sự thì đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân. Mức phạt có thể lên tới 5 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định trong thời hạn từ 1 - 5 năm, luật sư Nguyễn Hồng Thái nói thêm.

"Công tác bầu cử được thực hiện theo đúng các tiêu chí công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Chúng ta đang có những "bộ lọc" rất tốt nhằm loại bỏ những phần tử chống đối lấy danh nghĩa là tự ứng cử nhằm phá hoại cuộc bầu cử. "Bộ lọc" này chính là từ phía cử tri, HĐND các cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật... Do đó, chưa cần nói đến các đối tượng chống đối, ngay cả những đảng viên không đủ năng lực và đủ tâm, đủ tầm vẫn bị loại." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến. 

 Hà Thanh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiêu thân trên sàn ảo

Những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới, song số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng gia tăng khiến bao gia đình tán gia bại sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống Nhân dân, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.Thực tế, 15 năm qua, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…

Dồn tiền vào sàn ảo - nhà đầu tư biến thành con nợ

Thông qua các sàn tiền ảo với những lời quảng cáo hấp dẫn sinh lời khủng, thu hồi vốn nhanh, kẻ lừa đảo đã khiến không ít người lao vào đầu tư như thiêu thân. Chỉ thời gian ngắn sau, cùng với sự biến mất của sàn ảo, một khoản nợ khổng lồ đã rơi xuống với những nhà đầu tư này.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/quyet-liet-dap-tat-cac-chieu-tro-pha-hoai-bau-cu-tren-mang-420421.html