Sau thu hồi sản phẩm của Dược phẩm Bình Đông, nhiều doanh nghiệp thực phẩm chức năng tiếp tục kiểm tra

15/09/2018 09:14

Kinhte&Xahoi Trước đó, hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở vẫn bất chấp pháp luật, tiếp tục tái phạm khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc.

Bát nháo thực phẩm chức năng bẩn, đội lốt thuốc chữa bệnh

Mỹ phẩm, dược phẩm hay thực phẩm chức năng (TPCN) đều là những sản phẩm thiết yếu, đáp ứng như cầu sức khỏe hàng ngày của con người. Trong những năm trở lại đây, thị trường dược phẩm, TPCN lại nhộn nhịp bởi nhiều cái tên mới lạ như: “Thực phẩm giảm cân, tăng cân, thuốc đông y gia truyền…”, nhằm đánh vào tâm lý người dùng vì muốn được sở hữu những thân hình thon gọn, lý tưởng mà đánh đổi tất cả để sở hữu nó.

Tuy nhiên, sự thật ít ai biết rằng, đằng sau những lời quảng cáo ma mi đó lại là màn kịch, màn ảo thuật do chính các “ông trùm” dược phẩm, thực phẩm này đạo diễn, vẽ ra nhiều công dụng tuyệt hảo để lôi cuốn khách hàng.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố danh sách các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm và xử phạt với tổng số tiền lên tới hơn 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở này phải thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Trong số các cơ sở vi phạm, có đơn vị bị xử phạt lên tới gần nữa tỷ đồng vì nhiều lỗi vi phạm. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Phú Hải (số nhà 11, ngách 117/52, tổ 5 A2, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) cũng bị phạt số tiền rất lớn, 477 triệu đồng do hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; Công ty Cổ phần LD Đông Dương bị xử phạt số tiền hơn 100 triệu đồng với các hành vi tương tự.

Thuốc ho bẩn bị phát hiện được sản xuất từ hóa chất và dầu của Công ty TNHH Hotel Students tại TP HCM.

Còn tại thị trường TP HCM, ngày 17/8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 114 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hotel Students vì có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn.

Ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động ngay và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm mà Đoàn kiểm tra đã niêm phong gồm: 404,1 kg nguyên liệu; 669,6 kg hàng hóa sản phẩm không nhãn mác; 214.320 viên thành phẩm và bán thành phẩm và hơn 220 thùng sản phẩm thành phẩm.

Thận trọng với những sản phẩm đông y không rõ nguồn gốc

Sản phẩm Thiên môn bổ phổi của Công ty TNHH Dược phẩm Bình Đông.

Cũng tương tự, vào tháng 9/2010, Sở Y tế TP HCM đã có thông báo về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi hai loại thuốc theo chỉ đạo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Loại thứ nhất là sản phẩm thuốc nước “Thiên môn bổ phổi”, loại 280ml, lô số: 010310, do cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm Y học cổ truyền Bình Đông (nay là Công ty TNHH Dược Phẩm Bình Đông quận 8, TP.HCM) sản xuất. (Trên website http://www.bidophar.com giới thiệu, đơn vị này từng có trên 60 năm kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền, thế nhưng sản phẩm trên lại bị cơ quan chức năng pháit hện không đạt chuẩn và buộc thu hồi).

Loại thứ hai là thuốc bột “Vị thông tán”, gói 35g, lô số: 010109, hạn sử dụng: 01.2011, do cơ sở Y dược học cổ truyền dân tộc Nguyễn Minh Trí (Hóc Môn, TPHCM) sản xuất.

Hai sản phẩm trên đã được trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, với việc xử lý những hành vi trên chưa đủ tính răn đe đối với cơ sở Y dược học cổ truyền dân tộc Nguyễn Minh Trí, mới đây, cơ sở này tiếp tục vi phạm, buộc cơ quan chức năng phải ra văn bản thu hồi, buộc tiêu hủy đối với các sản phẩm vi phạm.

Sản phẩm “Hồng huyết tố”, vẫn được cơ sở Y dược Nguyễn Minh Trí sản xuất và lưu hành, mặc dù số đăng ký đã hết hiệu lực.

Cụ thể, ngày 02/7/2018, Thanh tra Bộ Y tế đã ra Quyết định xử phạt số 65/QĐ-XPVPHC đối với cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm Y học cổ truyền Nguyễn Minh Trí vì đã sản xuất thuốc “Hồng huyết tố”, số đăng ký: V 1588- H12-10, lô SX 01-02-2017, hạn dùng tháng 02/2019 khi số đăng ký đã hết hiệu lực để đưa ra lưu hành.

Theo Thanh tra Bộ Y tế, hành vi nêu trên của cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm Y học cổ truyền Nguyễn Minh Trí đã vi phạm điểm d, Khoản 3, Điều 39, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Với hành vi trên, cơ sở Nguyễn Minh Trí đã bị xử phạt số tiền 35 triệu đồng.

Cùng với việc phạt tiền, Thanh tra Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm Y học cổ truyền Nguyễn Minh Trí phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc tiêu huỷ 1414 chai thuốc “Hồng huyết tố”, số đăng ký: V 1588- H12-10, lô SX 01-02-2017, hạn dùng tháng 02/2019.

Trước tình trạng trên, vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ký công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường giám sát, phát hiện dược phẩm, mỹ phẩm giả.

Ngày 19/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Và mới đây, Thủ tướng tiếp tục ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Theo đó, nghị định quy định tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm (trước chỉ 3,5 lần). 

Qua đó, các quy định này sẽ là sức nặng mang tính răn đe, kiểm soát vi phạm của các đối tượng vi phạm, nhằm thúc đẩy thị trường dược phẩm, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. 

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM