The Goldview: TNR bị tố bàn giao căn hộ thiếu thiết bị, hạng mục

06/12/2018 09:28

Kinhte&Xahoi Mặc dù đã bàn giao sản phẩm hơn 6 tháng nhưng Chung cư The Goldview vẫn còn thiếu thiết bị, hạng mục khiến cư dân “dở khóc dở cười”, trong khi đó chủ đầu tư và ban quản lý lại không có câu trả lời.

"Treo đầu dê, bán thịt chó"

Căn hộ chung cư The Goldview (viết tắt là TGV) do Công ty May Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư và Công ty TNR Holding Việt Nam (thành viên của Công ty TNG Holding Việt Nam) phát triển dự án, Công ty Savill là đơn vị quản lý, tọa lạc tại 346 Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP.HCM.

Căn hộ TGV trước đây được chủ đầu tư quảng cáo là khu phức hợp chung cư cao cấp đẳng cấp bật nhất trung tâm TP.HCM. Vì tin tưởng vào những lời quảng cáo “thuận miệng” của chủ đầu tư nên có rất nhiều khách hàng đã ký kết hợp đồng mua bán. Đến cuối năm 2017, dự án hoàn thành, khách hàng nhận bàn giao căn hộ chuyển vào sinh sống cho đến nay. Thế nhưng thực tế, có hàng tá vấn đề trái ngược với danh xưng chung cư cao cấp mà chủ đầu tư từng quảng cáo.

Cụ thể, đó là vấn đề an ninh thiếu an toàn, đe dọa tính mạng của họ mỗi ngày. Hệ thống camera an ninh tại các tầng chưa được trang bị đầy đủ, nên không quan sát hết khu vực hành lang. Việc kiểm soát người ra vào TGV khá lỏng lẻo. Thậm chí người lạ có thể xuống hầm đi thang máy lên các tầng mà không ai bị ngăn chặn.

Khu chung cư thiếu an toàn do nhiều đối tượng lạ ra vào không có kiểm soát.

Bên cạnh đó, cư dân cũng “lắc đầu” về vấn đề vệ sinh, số thùng rác ở từng tầng của mỗi tháp chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi lịch thu gom rác hàng ngày chưa rõ bao nhiêu lần vì tình trạng tồn ứ rác sinh hoạt và rác công trình xảy ra thường xuyên. Thiết kế sàn xi măng của buồng đệm trước khi vào phòng rác ở tháp A khiến vệ sinh khu vực này nhếch nhác, công tác lau rửa khó hơn so với sàn gạch men.

Theo cư dân, một số căn hộ có những người sử dụng chất kích thích, chơi bóng cười, sử dụng ma tuý. Những người này mở nhạc, tổ chức “bay lắc” trong căn hộ suốt đêm khiến những căn hộ liền kề, trên và dưới bị ô nhiễm tiếng ồn. “Những đối tượng này còn phê thuốc khi ra khỏi căn hộ khiến an ninh, tính mạng của cư dân bị đe doạ” - một cư dân cho biết. Điều đáng nói, hiện trạng này chưa được xử lý triệt để dù cư dân đã nhiều lần phản ánh. Thậm chí có “dân chơi” trả căn hộ này chuyển sang căn hộ khác để “bay lắc”.

Trong suốt thời gian qua, các cư dân và ban đại diện đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư và ban quản lý thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp hoặc thư điện tử để phản ánh những bức xúc.

Đẩy cư dân vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

Chưa dừng lại ở đó, cư dân TGV còn nỗi lo về an toàn PCCC. Khả năng sẵn sàng của hệ thống PCCC cùng năng lực vận hành của lực lượng PCCC tại chỗ chưa tạo được sự yên tâm cho cư dân. Chủ đầu tư đưa dân vào ở từ cuối năm 2017 những đến ngày 28 và 29/6/2018 còn tổ chức test liên động lần thứ 3, những buổi test liên động này cư dân trong phòng ngủ hầu như không nghe được chuông còi báo cháy, khiến cư dân càng bất an.

Theo cư dân chất lượng thiết bị báo khói, báo nhiệt trong căn hộ chưa được xác định bằng văn bản của chủ đầu tư, ban quản lý. Sau khi nhận thô căn hộ, tổ chức xây dựng, làm trục vào hệ thống, hiện chưa có kết quả sửa chữa và kết nối hệ thống toà nhà. Lỗi báo cháy giả tại TGV vẫn thường xảy ra.

Nội dung phản ánh PCCC của chung cư không đảm bảo trong đơn kiến nghị của cư dân.


Phía cư dân cho rằng, phong cách làm việc của bộ phận chăm sóc khách hàng của TNR chưa tốt, khi thể hiện cách ứng xử trịch thượng, không chuẩn mực với chủ căn hộ, trả lời lòng vòng mất thời gian của cư dân, có dấu hiệu lừa dối khách hàng.

Sau khi cư dân TGV tố chủ đầu tư bàn giao căn hộ thiếu thiết bị và hạng mục so với hợp đồng thì chủ đầu tư đã chấp nhận bổ sung một số trang thiết bị còn thiếu, bồi hoàn ổ cắm điện, ổ cấp nước ở lo gia theo mức giá 2,5 triệu đồng/căn.

Tuy nhiên theo văn bản mới nhất của bộ phận chăm sóc khách hàng TNR, chủ đầu tư vẫn chưa chấp nhận một số hạng mục khác còn thiếu so với hợp đồng, như chậu rửa âm bếp căn 2 phòng ngủ và căn 3 phòng ngủ, bồn tắm, chuông cửa trong căn hộ… Khi cư dân phản ánh thì chủ đầu tư lại cố tình ràng buộc chủ căn hộ nhận tiền bồi hoàn ổ cắm điện, ổ cấp nước ở lô gia và cho rằng như vậy là đã hoàn thành trách nhiệm. Còn với những nhà trẻ, trung tâm gym, trung tâm thương mại…chưa biết khi nào đưa vào vận hành.

Ngoài ra, cư dân còn cho rằng họ chưa thực hiện việc đóng phí quản lý vận hành toà nhà TGV đến hạn vào ngày 25/7 và phí của những tháng tiếp theo. Giải thích cho việc không đóng phí quản lý, đại diện cư dân cho biết: “Căn cứ vào nội dung thoả thuận trong các hợp đồng mua bán giữa hai bên, khoản phí vận hành nhà chung cư dùng để thanh toán cho các danh mục dịch vụ. Bao gồm quản lý việc điều khiển, duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung của toà nhà, cung cấp các dịch vụ đảm bảo cho nhà chung cư hoạt động bình thường.

“Thực tế, các dịch vụ an ninh, bảo vệ, vệ sinh đến các dịch vụ khác phục vụ cư dân đều yếu kém. Không thể xem là TGV đang hoạt động bình thường được khi mà cư dân đang sống trong sợ hãi, lo lắng và có nhiều bức xúc như vậy. Những đóng góp của cư dân ở đây cũng không có được sự lắng nghe và cải thiện triệt để.” - một cư dân bức xúc.

Cư dân TGV căng băng rôn phản đối chất lượng dịch vụ.


Cư dân TGV cho rằng những vấn đề nêu trên và việc chậm giải quyết của chủ đầu tư và ban quản lý đã có dấu hiệu vi phạm hợp đồng mua bán giữa 2 bên. Do đó, cư dân TGV kiến nghị chủ đầu tư cung cấp bằng văn bản, có xác nhận của cấp có thẩm quyền, các chứng nhận tòa nhà TGV đủ điều kiện khai thác, đưa vào sử dụng. Toàn bộ chuẩn mực chất lượng dịch vụ và tiện ích của TGV với tư cách là “một khu phức hợp cao cấp”. Quy trình, quy định về quản lý, vận hành TGV theo quy chuẩn Savills, biên bản nghiệm thu các thiết bị, đấu nối PCCC tại các tầng, mỗi tháp… phải cung cấp cho toàn bộ cư dân.

Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chủ đầu tư có hướng khắc phục những vấn đề tồn đọng nêu trên giúp cư dân ổn định cuộc sống.

 

Theo GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thấy gì qua thương vụ M&A Vinaconex?

Kết quả đấu giá của Vinaconex đặt trong bối cảnh thị trường èo uột, nhưng nhà đầu tư vẫn trả giá chênh gần 2.000 tỷ đồng để “mua bằng được” Vinaconex cho thấy sự quyết tâm của nhà đầu tư này trước quỹ đất hàng triệu m2 của Vinaconex.