Thu phí vào nội đô: Giải pháp cần thiết nhằm hạn chế ùn tắc giao thông

31/10/2021 16:17

Kinhte&Xahoi Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng trầm trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nạn ùn tắc giao thông không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà đó còn là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc áp dụng thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực trên địa bàn thành phố được xem là giải pháp hết sức cần thiết nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Áp lực giao thông nội đô

 Theo thống kê, hiện thành phố Hà Nội có khoảng 8 triệu người đăng ký thường trú. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75% (mục tiêu từ 20 - 26%). Tốc độ tăng trưởng ô tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm.

Toàn thành phố hiện có khoảng 7,6 triệu phương tiện các loại. Trong đó, có 740.000 xe ô tô, 5,8 triệu xe máy, 150.000 xe máy điện và hơn một triệu xe đạp điện, chưa kể các loại phương tiện ngoại tỉnh và vãng lai. Điều này cho thấy, lượng phương tiện quá đông trong khi kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô chưa đáp ứng nhu cầu đã dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trên nhiều trục đường lớn, các khu vực tập trung đông dân cư, cơ quan, công sở, trường học... tại hầu hết tất cả các quận nội thành của Hà Nội.

Lượng phương tiện quá đông trong khi kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô chưa đáp ứng nhu cầu đã dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng

Trước đó, vào năm 2017, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND thực hiện “Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung chính của đề án là giảm thiểu phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố, UBND thành phố đã triển khai 28/37 nhiệm vụ. Kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung trong đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất giành cho giao thông tăng hơn. Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công công chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diện biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố, trong đó có “giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông” là hết sức cần thiết.

Việc xây dựng phương án thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn được xem là giải pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân. Loại phí này sẽ có tên định danh là phí phương tiện xe cơ giới đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” gọi tắt là “Phí giảm ùn tắc giao thông” là một loại phí mới chưa có trong Luật Phí và lệ phí được Quốc hội quy định. Người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo cung đường khác hoặc phương tiện công cộng thuộc diện không phải đóng phí, nghĩa là loại phí không bắt buộc.

Việc xây dựng phương án thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn được xem là giải pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân

Theo đề án, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Chu vi khu vực thu phí khoảng 51km, diện tích khoảng 150km2.

Trên cơ sở các tuyến đường khép kín, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt, áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát để đảm bảo không gây ùn tắc giao thông tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Hiện đã có nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương thức thu phí phương tiện xe cơ giới và đạt hiệu quả trong hạn chế số lượng phương tiện cá nhân, cũng như thay đổi thói quen sử dụng phương tiện đi lại, thúc đẩy phát triển cho phương tiện công cộng.

Xây dựng mức phí đảm bảo tính khả thi, phù hợp

 tin về phương án thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Trừ các phương tiện được miễn phí như xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa...

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện bao gồm xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định. Các đối tượng được giảm phí gồm xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi...).

Thu phí vào nội đô được xem là giải pháp cần thiết nhằm hạn chế ùn tắc giao thông

Phạm vi thu phí là khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; Khu vực có thể tổ chức giao thông thuận tiện cho các phương tiện giao thông không cần đi vào khu vực thu phí có điều kiện thuận lợi để vòng tránh và đi qua địa bàn thành phố một cách thuận lợi.

Mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí. Mức thu phí phải đảm bảo tác động đến việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực: Điều chỉnh lộ trình, hoặc chuyển sang phương tiện giao thông công cộng khi di chuyến đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Đặc biệt, mức thu phí cũng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người tham gia giao thông.

“Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục Đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng; Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nhấn mạnh.

Về lộ trình thực hiện, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, dự kiến HĐND thành phố thông qua đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.

Từ năm 2022-2023 hoàn thiện các điều kiện thu phí; Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí; Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.

Năm 2024, trình HĐND thành phố ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND thành phố quyết định trong năm 2024.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty cổ phần GTNFoods bị xử phạt 70 triệu đồng

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi thông báo xử phạt vi phạm hành chính số tiền 70 triệu đồng đối với công ty cổ phần GTNFoods, vì đã công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-phi-vao-noi-do-giai-phap-can-thiet-nham-han-che-un-tac-giao-thong-181669.html