Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ông Kim đến Hà Nội với khát vọng hoà bình, thịnh vượng

26/02/2019 14:17

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Kim Jong Un rất cần Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt nhưng đổi lại, ông cũng cần đưa ra những nhượng bộ trong Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6/2018 ở Singapore được coi là một sự kiện lịch sử quan trọng bởi ý nghĩa lớn lao của nó với kỳ vọng sẽ làm "tan băng" mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên. Tuy nhiên, Hội nghị này đã không thể tạo ra bất kỳ kế hoạch hành động hay cam kết rõ ràng nào từ cả hai bên.

 Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters

Từ sau đó, chính quyền Tổng thống Trump chỉ nhất trí giảm các hoạt động tập trận quân sự với Hàn Quốc và ủng hộ một cách chừng mực về việc tăng cường kết nối hạ tầng giữa 2 miền Triều Tiên.

Ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ không hối thúc thời hạn và "không vội" trong tiến trình hoàn tất một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên nhưng Tổng thống Mỹ cũng đang trong thế "bế tắc" để đảm bảo tối đa hóa sự ủng hộ của công chúng trước khi ông khởi động chiến dịch tái tranh cử.

Khi thời gian trôi qua, yêu cầu về những sự nhượng bộ cụ thể ngày một tăng lên, đặc biệt từ phía nhà lãnh đạo Triều Tiên,  khi mà các lệnh trừng phạt lên nước này vẫn chưa được dỡ bỏ. Ông Kim Jong Un sẽ phải đạt được những kết quả cụ thể từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này nếu ông muốn hiện thực hóa một kế hoạch lớn nhằm phát triển Triều Tiên. Vì thế, Chủ tịch Triều Tiên cũng sẽ phải đưa ra những trao đổi tương ứng để được đáp ứng các đòi hỏi.

Ước mơ lớn của ông Kim Jong Un

Không ai có thể hiểu được sự kỳ vọng của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un mong muốn nhanh chóng hiện đại hóa nền kinh tế như thế nào, khi mà chỉ trước khi các lệnh trừng phạt gần đây nhất được thực hiện, Ryomyong New Town đã được xây dựng trở thành một tổ hợp nhà ở và khu kinh doanh sang trọng chỉ trong một vài tháng tại quốc gia này năm 2016.

Khi ông Kim Jong Un lên lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Triều Tiên đã bắt tay vào thực hiện một chương trình hiện đại hóa kinh tế đầy tham vọng với việc xây dựng khu Khoa học - Công nghệ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sân trượt băng ngoài trời và một số tuyến đường mới cũng như các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, hầu hết những dự án đại diện cho tham vọng xây dựng đất nước của nhà lãnh đạo trẻ đều bị cản trở bởi một trong những lệnh cấm vận kinh tế khó khăn nhất trong lịch sử. Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Kim lần đầu tiên đã khiến Triều Tiên nới lỏng thế cô lập ngoại giao quốc tế, củng cố mối quan hệ song phương với Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác nhưng lại không thể thuyết phục Washington giảm bớt sự bao vây kinh tế.

Nền kinh tế Triều Tiên vẫn đang trải qua nhiều khó khăn và hiện phụ thuộc lớn vào Trung Quốc trong việc trao đổi hàng hóa với bên ngoài.

Trong bài phát biểu mừng Năm mới, ông Kim đã khẳng định một cách rõ ràng về yêu cầu "hồi sinh", "tăng cường" và "đem lại năng lượng" cho nền kinh tế quốc gia, cũng như sự cấp bách của việc "thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia 5 năm".

Chủ tịch Triều Tiên cũng cho thấy thiện chí đàm phán với Washington khi khẳng định rằng "nếu Mỹ hồi đáp trước những nỗ lực chủ động của chúng tôi bằng các biện pháp đáng tin và những hành động thực tế tương ứng, mối quan hệ song phương giữa hai nước sẽ phát triển với tốc độ nhanh đến khó tin qua một tiến trình cụ thể hơn và các biện pháp quan trọng".

Thế khó của ông Kim Jong Un

Đưa ra những đòi hỏi quan trọng, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng sẽ phải thực hiện những nhượng bộ nhất định. Washington luôn yêu cầu các bước đi đáng kể từ phía Triều Tiên đối với các chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như trong việc dừng các vụ thử tên lửa và chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự trong các vùng biển lân cận hoặc Khu vực Phi quân sự (DMZ).

Tính đến nay, ông Kim đã đề nghị dỡ bỏ các bãi phóng tên lửa và hạt nhân nhằm đổi lấy sự nới lỏng các lệnh trừng phạt và một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đòi hỏi một quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược từ phía Triều Tiên trước khi bắt đầu bất cứ bước đi nào nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi nhận được những đảm bảo an ninh, sự công nhận ngoại giao và nới lỏng các lệnh trừng phạt từ Washington.

Cách tiếp cận khả thi nhất là sự nhượng bộ từng bước và tương ứng giữa hai bên khi Mỹ từ từ nới lỏng lệnh trừng phạt, còn Triều Tiên thì giảm dần các chương trình hạt nhân. Kết quả lớn nhất có thể đạt được tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này là hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Ở cả hai mặt này, đặc biệt trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn đang trải qua các lệnh trừng phạt nặng nề, sự kiên nhẫn là rất mong manh. Nếu hai nhà lãnh đạo chấm dứt cuộc gặp sắp tới với một kết quả hoàn toàn mang tính biểu tượng hay một thông báo chỉ mang tính tuyên bố hơn là những kết quả thực tế thì khả năng cao là ván bài cược của cả hai đều sẽ "đổ bể". Vì thế, điều quan trọng cho cả Mỹ và Triều Tiên là phải đàm phán được các kế hoạch chi tiết cho một tuyên bố hòa bình cuối cùng nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên dài hàng thập kỷ.

Triều Tiên muốn gì trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội?

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp tới ở Hà Nội, ông Kim Jong Un có thể sẽ yêu cầu Washington bắt đầu nới lỏng các lệnh trừng phạt, mở các kênh ngoại giao trực tiếp và ký tuyên bố hòa bình nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Cuối cùng, Bình Nhưỡng muốn Washington sẽ rút quân đội và vũ khí khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu quan trọng mà Mỹ mong muốn đạt được tại cuộc gặp lần này.

Tuy nhiên, nội dung của phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên theo cách hiểu của Bình Nhưỡng có thể còn bao gồm cả việc dỡ bỏ "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ với Hàn Quốc và các lực lượng có khả năng hạt nhân khác.

Một số quan chức Hàn Quốc cũng như Quốc hội Mỹ và nhiều nơi khác bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên đang kêu gọi thay đổi mức độ đóng quân của Mỹ ở Hàn Quốc nhưng Tổng thống Trump đã khẳng định ngày 22/2 rằng việc Mỹ giảm dần số lượng quân ở Hàn Quốc sẽ không nằm trong các vấn đề thảo luận.

Washington có thể do dự trong việc ký một hiệp định hòa bình toàn diện trước khi Bình Nhưỡng hoàn toàn phi hạt nhân hóa nhưng các quan chức Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận "hẹp" hơn nhằm đảm bảo sẽ giảm căng thẳng giữa hai nước, mở các văn phòng liên lạc và tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong Un đã khẳng định hồi tháng 1/2019 rằng Triều Tiên "sẵn sàng mở lại công viên công nghiệp Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được kỳ vọng sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi để hai bên đạt được những thỏa thuận thực chất và vững chắc, đem lại nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời mở ra những tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các nước./.

Theo VOV/ GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

PV Power ôm nợ khủng chính thức chào sàn chứng khoán

Ngày 14/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã chính thức đưa 2.341.871.600 cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam- CTCP (PV Power, mã CK: POW) lên niêm yết và giao dịch với tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt hơn 23.418 tỷ đồng.