Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Việt Nam thể hiện trách nhiệm, vị thế quốc tế

26/02/2019 10:15

Kinhte&Xahoi Việc thủ đô Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều như một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 20 năm thủ đô của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, mang một ý nghĩa biểu tượng lớn.

Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được tổ chức đúng vào năm Hà Nội kỷ niệm 20 năm ngày UNESCO vinh danh Hà Nội là Thành phố vì hòa bình. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Việc thủ đô Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị như một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới, đồng thời cũng khẳng định Việt Nam đang đóng góp ngày càng chủ động và tích cực vào các vấn đề quốc tế nhằm hướng tới hòa bình và phát triển.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhận định rằng Việt Nam được lựa chọn để tổ chức cuộc gặp này vì “Việt Nam hiện đang tiến hành chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên."

Đánh giá của nhà ngoại giao Nga cho thấy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác, hòa bình và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, cùng phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” mà Đảng và Nhà nước Việt Nam triển khai những năm qua đã gặt hái được nhiều thành công.

Cộng đồng quốc tế đã và đang ghi nhận những đóng góp đáng kể của Việt Nam vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã từng bước tham gia tích cực và đóng góp ngày càng thiết thực vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững.

Phải kể tới việc Việt Nam ứng cử và trúng cử với tỷ lệ ủng hộ cao vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và hiện là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam là một thành viên quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong ASEAN và cũng là một đối tác ngoại giao quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.

Như khẳng định của chuyên gia Hunter Marston, nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao của viện Brookings, Mỹ, việc Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện quan trọng này cho thấy vị thế ngoại giao ngày càng tăng của Việt Nam.

Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, hình ảnh của Việt Nam gắn liền với việc chủ động đề xuất sáng kiến xây dựng, chung tay định hình luật chơi chung, đồng thời giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt trong việc giải quyết nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Thành công của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 ở Đà Nẵng chẳng những đã làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc toàn cầu, mà còn thể hiện khả năng tổ chức và sự chủ động của Việt Nam.

Giới học giả Mỹ và quốc tế cho rằng chính ấn tượng mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam an ninh, thanh bình, hiếu khách và yêu chuộng hòa bình đã góp phần để Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn “đất nước hình chữ S” là điểm đến cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Hai lần đăng cai tổ chức hội nghị APEC trong 11 năm, đảm bảo tuyệt đối cho hàng vạn quan chức quốc tế, trong đó có nguyên thủ các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga... đã thể hiện uy tín và khả năng của Việt Nam. Hay việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014 và mới đây đã triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan, càng cho thấy Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Chuyên gia Carl Thayer, Giáo sư danh dự-Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng với đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, Việt Nam đã chứng tỏ là một bên trung lập, có kinh nghiệm và năng lực tổ chức và bảo đảm an toàn, an ninh cho các hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo thế giới và là một nhân tố tích cực đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực và thế giới.

Riêng đối với vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Việt Nam đã nhiều lần cam kết luôn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp để thúc đẩy xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo. Chủ trương và chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ những hành động, biện pháp tích cực, xây dựng nhằm thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Thông điệp này đã được các nhà lãnh đạo Việt Nam tái khẳng định với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi ông thăm Việt Nam cuối 3/2018, khi tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có những bước chuyển tích cực đầu tiên. Đây chính là sự chủ động của Việt Nam phối hợp tích cực để tìm hướng giải quyết vấn đề nan giải làm đau đầu cộng đồng quốc tế nhiều năm này.

 Khách du lịch mua cờ các nước trên phố Hàng Bông, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cùng với chủ trương đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa tích cực, chủ động và những đóng góp có trách nhiệm và thực chất trong các công việc quốc tế, một nền chính trị ổn định, an ninh được bảo đảm, một đất nước thanh bình... hàng loạt yếu tố đã khiến Hà Nội, Việt Nam được tin tưởng đảm nhận trọng trách lớn.

Với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, Việt Nam đã trở thành "cầu nối" cho tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, giữ vai trò một đối tác góp phần kiến tạo hòa bình không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cả khu vực Đông Bắc Á.

Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đã, đang và sẽ là trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế vì nền hòa bình, ổn định và phát triển.

Không những thế, sự kiện quốc tế quan trọng này còn cho thấy thành phố Hà Nội xứng đáng là thủ đô duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được vinh danh như một biểu tượng của hòa bình.

Một lần nữa, Việt Nam đã khẳng định vị thế và vai trò của một đất nước luôn là đối tác tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo TTXVN/GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

PV Power ôm nợ khủng chính thức chào sàn chứng khoán

Ngày 14/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã chính thức đưa 2.341.871.600 cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam- CTCP (PV Power, mã CK: POW) lên niêm yết và giao dịch với tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt hơn 23.418 tỷ đồng.