Thường Tín, Hà Nội: Hàng loạt bãi tập kết VLXD không phép?

02/10/2018 11:07

Kinhte&Xahoi Đã đến mùa mưa bão nhưng trên địa bàn xã Vạn Điểm và Thống Nhất (huyện Thường Tín), các bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) không phép vẫn ngang nhiên hoạt động ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê.

Điều đáng nói, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xử lý những sai phạm trên nhưng đến nay tại huyện Thường Tín, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra. Thậm chí còn xuất hiện thêm trường hợp vi phạm mới.

Không giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động!

Hiện nay, nằm ven tuyến đê hữu sông Hồng thuộc địa bàn xã Thống Nhất có 7 bãi tập kết VLXD, và tất cả các bãi tập kết này đều không được cấp phép. Theo quan sát của phóng viên, tại đây có rất nhiều phương tiện quá tải trọng chở cát, đá, sỏi lưu thông trên tuyến đê này, khiến tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, lún, sụt và giảm khả năng chống lũ.

Bãi tập kết VLXD trái phép tại huyện Thường Tín chưa bị xử lý.

Còn đi dọc theo triền đê Hữu sông Hồng dễ dàng nhận thấy các bãi tập kết nối san sát nhau, hàng chục đống cát được tập kết to như những quả núi, các phương tiện như máy xúc, ôtô có trọng tải lớn… tấp nập ra vào, đất đá bay bụi mù mịt cả một vùng.

Tìm đến một bãi tập kết bên triền đê, phóng viên không khỏi bất ngờ, tại đây cát được tập kết cao như núi, hoàng loạt xe có trọng tải lớn lũ lượt nối đuôi nhau ra vào chở cát đi. Tiếng máy xúc, tiếng máy xe tải ầm ầm cùng với đó là bụi, khói bao trùm cả khu vực khiến ai đi qua địa điểm này cũng phải lắc đầu, bịt kín để tránh cái bụi từ các xe tải di chuyển trên đường.

Xe tải gây bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường.

Trước hoạt động gây ảnh hưởng tới môi trường, phóng viên có làm việc với đại diện của cơ sở, vị đại diện cho biết: “Hiện nay, theo yêu cầu của xã, chúng tôi không được tập kết thêm cát mới, chờ hết mùa mưa bão rồi tính sau. Bây giờ chỉ cho phép vận chuyển nốt số cát trên bãi còn lại mà thôi”.

Với thắc mắc của phóng viên bao giờ sẽ vận chuyển hết số cát còn lại, chính quyền đưa ra thời hạn thực hiện việc này hay không, Vị đại diện cơ sở này cho biết: “Bao giờ có người mua hết thì mới hết, việc này phụ thuộc vào người mua”.

Tại một điểm tập kết khác, việc vi phạm còn ngang nhiên hơn. Theo lời công nhân làm việc tại đây, bãi cát này mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2018, với diện tích khoảng gần 5000m2, khối lượng cát được tập kết tại đây lên cả nghìn khối. Mặc dù việc tập kết cát trái phép đã được chính quyền địa phương phát hiện, thế nhưng không hiểu lý do gì mà cơ sở này vẫn “mọc lên” như thách thức chính quyền.

Thậm chí, khi phóng viên liên hệ với chủ cơ sở qua điện thoại để tìm hiểu thông tin về giấy phép cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường, thì chủ cơ sở này còn có gây khó dễ cho phóng viên khi nói rằng: “Anh có cần phải trả lời các chú hay không?”.

Núi cát án ngữ hành lang đê


Lượng cát tập kết tại đây lên tới hàng nghìn khối, nguy hại nhất là các đoàn xe ra vào bãi tập kết này thường xuyên chở quá tải, che chắn không đúng quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của kết cấu đường trên mặt đê, cũng như gây bụi cho người dân mỗi khi những chiếc xe này vận chuyển.

Trước các vấn đề trên, dư luận không khỏi băn khoăn về việc thực hiện di dời trả lại hiện trạng ban đầu của hành lang đê bị các chủ cơ sở này bỏ qua? Cũng như chính quyền nơi đây chưa thực hiện nghiêm túc, xử lý triệt để vi phạm? Phải chăng, tình trạng vi phạm hành lang đê của các cơ sở trên được sự tiếp tay, bao che của chính quyền cấp xã, huyện?

Các biện pháp xử lý chỉ nằm trên giấy?

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, phóng viên đên UBND xã Thống Nhất để tìm hiểu. Tại buổi làm việc, cán bộ địa chính xã cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã không có điểm khai thác khoáng sản nào được được cấp phép, trong quá trình kiểm tra, tuần tra của UBND xã cũng không phát hiện trường hợp nào khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên trên địa bàn xã có 07 bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Chính quyền xã đã nhiều lần ra thông báo, lập biên bản xử phạt các chủ cơ sở này cũng như yêu cầu các bãi này giải tỏa, di dời”.

Với những vi phạm nghiêm trọng về bãi tập kết hoạt động không phép, sai phép, xe quá khổ, quá tải lưu thông làm hư hỏng mặt đê hữu Hồng và xây công trình vi phạm Luật Đê điều ở Thường Tín, UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PT Nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo xử lý nhiều lần, nhưng đến nay huyện Thường Tín vẫn chưa xử lý dứt điểm trong khi mùa mưa, bão năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp, những vi phạm này tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt, làm mất an toàn công trình đê điều và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố.

Đặc biệt việc xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” này của UBND huyện Thường Tín hoàn toàn trái với chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội năm 2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Trước những vi phạm kéo dài tại Thường Tín, dư luận hiện nay đặc biệt quan tâm đến việc bao giờ những vi phạm trên sẽ được xử lý triệt để? Trách nhiệm của UBND huyện, xã sẽ bị xử lý ra sao khi mà những vi phạm trên mới chỉ bị xử lý trên giấy?

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chứng khoán Artex chính thức lên sàn giá tham chiếu hơn 8.000 đồng

Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán Artex chính thức gia nhập vào HNX trong phiên giao dịch ngày Thứ 6 (28/09) với giá tham chiếu 8,100 đồng/cp. Trước đó, ngày 17/09/2018, CTCP Chứng khoán Artex (UPCOM: ART) được chấp thuận niêm yết hơn 37 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX).