TPCN Tiến Hạnh chứa chất cấm, thật giả lẫn lộn?

18/12/2018 16:37

Kinhte&Xahoi Được quảng cáo như “thuốc”, tăng – giảm cân như ý muốn nhưng trên thực tế sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Tiến Hạnh đang bị nghi ngờ có chứa chất cấm, gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

“Thảo mộc Tiến Hạnh” chứa chất cấm – Khách hàng hoang mang

Thời gian qua toà soạn nhận được thông tin phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm TPCN Tiến Hạnh.

Cụ thể, lần theo thông tin được quảng cáo thông qua facebook Đặng Thị Loan (https://www.facebook.com/dangkunkun), khách hàng Nguyễn Ngọc N. (Hà Đông, Hà Nội)  đã tìm hiểu thông tin và đặt mua sản phẩm TPCN giảm cân Tiến Hạnh. Chị N. cho biết, đây là trang facebook của nhà phân phối trực tuyến của Công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh (Công ty Tiến Hạnh), có địa chỉ Tầng 6, Tòa nhà MD Complex, số 68 Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Sau một thời gian sử dụng sản phẩm mang tên “Thảo mộc Tiến Hạnh”, chị N. nhận thấy số cân của mình không hề giảm mà ngược lại chị còn thường xuyên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, mặt sưng phù, nổi nhiều mụn.

Sản phẩm và phiếu kiểm nghiệm khách hàng Nguyễn Ngọc N. cung cấp.

 

Nghi ngờ sản phẩm mình dùng có điều bất thường, chị N. đã mang sản phẩm đến Trung tâm chứng nhận phù hợp – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm nghiệm sản phẩm.

Kết quả cho thấy sản phẩm có chứa hoạt chất Sibutramine - một chất cấm dùng trong Y tế. Kết quả này khiến chị N. không khỏi hoang mang và bất ngờ.

Lãnh đạo Công ty Tiến Hạnh “đổ” tại hàng nhái?

Trả lời báo chí về việc có hay không sản phẩm của Công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh có chứa chất cấm, phía lãnh đạo công ty cho rằng khách hàng này đã mua phải hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường.

Bà Đặng Thiên Hương (trái) - Giám đốc Công ty Tiến Hạnh và bà Hải Doan Giám đốc pháp lý của Công ty trả lời báo chí.

 

Bà Hải Doan - Giám đốc pháp lý của Công ty Tiến Hạnh cho hay: “Do hiện nay trên thị trường có rất nhiều cơ sở làm giả, làm nhái sản phẩm của công ty. Vậy nên để mua được hàng chính hãng, bên chị vẫn khuyến khích người tiêu dùng đến tại trụ sở của công ty để mua”.

Mặc dù xác nhận facebook Đặng Thị Loan (https://www.facebook.com/dangkunkun) là một trong số rất nhiều nhà phân phối  bán hàng trực tuyến của Công ty Tiến Hạnh, nhưng đại diện công ty này đã phủ nhận kết quả trên không phải là sản phẩm chính hãng của Tiến Hạnh, có thể do lô hàng kém chất lượng, “hàng ngoài”. Đại diện Công ty đã “đổ” trách nhiệm cho người bán hàng khi cho rằng người này có thể đã vì lợi nhuận mà nhập hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi bên ngoài và bán cho khách hàng.

Bà Đặng Thiên Hương - Giám đốc Công ty Tiến Hạnh cho hay: “Người ta nhập hàng của mình thì mình chỉ biết giao thôi, chứ mình không thể quản được người ta…Họ có thể bán các sản phẩm giảm cân khác, chỉ cần có lợi nhuận là họ bán thôi”.

Như vậy, có thể thấy với việc nhà sản xuất “không thể quản được người ta” thì người tiêu dùng đang bị “bủa vây” bởi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đến đây, câu hỏi được đặt ra là: Chính sách kiểm soát hàng hóa, kênh phân phôi của Công ty Tiến Hạnh có đang bị buông lỏng quản lý dẫn tới tình trạng sản phẩm giảm cân Tiến Hạnh “thật giả lẫn lộn” gây hoang mang cho người tiêu dùng?

Ma trận hàng giả, hàng nhái

Trên website: thuoctangcantienhanh.vn, địa chỉ trang web khẳng định là sản phẩm chính hãng của công ty TNHH Đông y gia truyền Tiến Hạnh.  Các sản phẩm giảm cân, tăng cân được quảng cáo chung là Thuốc. Ngoài ra, còn có rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là đặc trị hôi nách, hôi chân, đặc trị xương khớp, xoang….với nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh.

Trên website thuoctangcantienhanh.vn của Công ty Tiến Hạnh, các sản phẩm giảm cân, tăng cân được quảng cáo chung là Thuốc.

Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, Công an Quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện, bắt giữ một cơ sở sản xuất sản phẩm giảm cân, tăng cân giả có nhãn mác “Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh”. Đáng lưu ý những sản phẩm được giới thiệu là “Thuốc Đông y” lại được điều chế từ bột ngô, mật mía, bột nếp… Sau quá trình điều chế thành thành phẩm, sản phẩm được đóng gói vào hộp và bán ra thị trường với mức giá gần 500 nghìn đồng.

Theo đó, tại xưởng sản xuất có địa chỉ ở Bắc Từ Liêm, cơ quan điều tra thu được 1,8 tấn gồm bột ngô, bột gạo nếp, mật mía và một số nguyên liệu khác.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an cho thấy, trong các sản phẩm tăng cân, giảm cân mang nhãn hiệu Đông y gia truyền Tiến Hạnh bị thu giữ có chứa chất Cinnarizine và Sibutramine. Đây là những chất cấm sử dụng trong việc tăng cân, giảm cân. Theo đó, hoạt chất Cinnarizine có thể gây đau vùng thượng vị, uống sau bữa ăn có thể làm giảm kích ứng dạ dày và có thể gây buồn ngủ.

“Bí ẩn” đằng sau thương hiệu Đông y gia truyền

Theo thông tin trên hệ thống của Cục Sở hữu Trí tuệ, nhãn hiệu Đông y Gia truyền Tiến Hạnh được cấp cho chủ sở hữu là bà Đinh Thị Hương (Yên Lập – Phú Thọ) vào ngày 6/3/2017.

Công ty TNHH Đông y Gia truyền Tiến Hạnh được thành lập vào ngày 17/04/2018 do bà Nguyễn Thị Bình (SN 1998 – 20 tuổi) có địa chỉ tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc thành lập. Với một người trẻ mới 20 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, đã thành lập được một doanh nghiệp với số vốn điều lệ 200 triệu đồng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi vấn.

Liệu Công ty TNHH Đông y Gia truyền Tiến Hạnh này có liên quan gì tới nhãn hiệu Đông y gia truyền Tiến Hạnh do bà Đinh Thị Hương sở hữu ?!

Đến ngày 2/7/2018, công ty này thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp, theo đó giám đốc công ty được thay đổi là bà Đặng Thiên Hương (SN 1992, có địa chỉ tại Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).

Giữa “ma trận” hàng thật, hàng giả lẫn lộn cùng những thông tin nhập nhèm về nhà sản xuất như trên thì việc chọn mua được một sản phẩm “đông y gia truyền” thực sự an toàn là một bài toán khó cho người tiêu dùng.

Trước thực tế trên, người tiêu dùng cần sáng suốt khi quyết định mua những sản phẩm thực phẩm chức năng Tiến Hạnh. Đồng thời khuyến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, cung cấp TPCN có chứa chất cấm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản

Mặc dù đã chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử song tài sản của ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài - ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần.