Trường Đại học Tài chính – Marketing bị “tố” gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước?

11/01/2019 08:57

Kinhte&Xahoi Trước việc công trình thư viện, ký túc xá do Trường Đại học Tài chính – Marketing làm chủ đầu tư vừa xây xong nhưng đơn vị này đã nhanh chóng “vẽ” ra dự án cải tạo khiến nhiều người nghi ngờ có dấu hiệu “tiêu cực” nên làm đơn tố cáo.

Công trình được đưa vào sử dụng trước khi nghiệm thu?

Theo đơn tố cáo cho biết, công trình xây dựng trường Đại học Tài chính – Marketing tại địa chỉ 2/4 Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận, quận 7, TP HCM được Bộ Tài chính phê duyệt theo Quyết định số 563/QĐ/BTC ngày 16/3/2010. Theo đó, công trình có chức năng làm Thư viện (cao 8 tầng); Ký túc xá (8 tầng) do Trường Đại học Tài chính – Marketing làm chủ đầu tư (CĐT).

Hồ sơ liên quan đến phản ánh dấu hiệu tiêu cực tại Trường Đại học Tài chính – Marketing.

 

Theo hồ sơ thể hiện, sau khi triển khai xây dựng công trình, ngày 20/4/2016, CĐT đã lập báo cáo hoàn thành thi công xây dựng số 347/BC-ĐHTCM; báo cáo số 1086/CV-ĐHTCM ngày 20/4/2016 và số 867/CV-ĐHTCM ngày 21/7/2017 của CĐT giải trình về tình hình khắc phục các tồn tại.

Căn cứ vào các báo cáo trên, ngày 4/4/2017 đến ngày 5/4/2017 Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng (Cục Giám định) đã thực hiện công tác nghiệm thu đối với dự án đầu tư xây dựng công trình Ký túc xá – Thư viện Trường Đại học Tài chính – Marketing.

Đến ngày 31/10/2017, Cục Giám định đã ra Thông báo số 117/GĐ-GĐ1 về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình Ký túc xá – Thư viện Trường Đại học Tài chính – Marketing.

Công trình đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn chịu lực và phù hợp với chất lượng số 03/CMC-2016 ngày 15/7/2016 của Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý xây dựng Phương Nam”, Thông báo số 117/GĐ-GĐ1 nêu.

Sau khi tiến hành nghiệm thu, Cục Giám định đã có kết luận: “Chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư đối với công trình Ký túc xá – Thư viện Trường Đại học Tài chính – Marketing để đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật”.

Trường Đại học Tài chính – Marketing

 

Tuy nhiên, theo văn bản “Nhiệm vụ thiết kế cải tạo cơ sở 2/4 Trần Xuân Soạn” của Trường Đại học Tài chính – Marketing vào ngày 4/9/2015 lại nêu: “Cơ sở 4 (địa chỉ: 2/4 Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM) có 2 khối nhà là khối nhà A (khối thư viện – 15.246m2 sàn) và khối nhà B (khối ký túc xá – 10.208m2 sàn) được đưa vào sử dụng năm 2015.

Để tận dụng cơ sở vật chất thuộc sở hữu của nhà trường, nhà trường dự định sẽ cải tạo lại khối nhà A và khối nhà B để tăng số lượng phòng học và phòng làm việc nhằm giảm chi phí thuê mướn cơ sở đào tạo”.

Cũng theo văn bản trên thì dự án có tổng mức đầu tư lên tới 24,533 tỷ đồng.

Như vậy, nếu chiếu theo văn bản trên thì Trường Đại học Tài chính – Marketing đã đưa các công trình ký túc xá và thư viện vào sử dụng trước gần 2 năm so với thời điểm nghiệm thu của Cục Giám định vào ngày 4/4/2017.

Chưa xây xong đã cải tạo?

Theo tố cáo và hồ sơ vụ việc thể hiện, cùng ngày ra văn bản “Nhiệm vụ thiết kế cải tạo cơ sở 2/4 Trần Xuân Soạn” của Trường Đại học Tài chính – Marketing, ngày 4/9/2015,  Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-ĐHTCM về việc phê duyệt nhiệm vụ thiết kế dự án cải tạo cơ sở 2/4 Trần Xuân Soạn.

Đến ngày 5/10/2015, Phòng Kế hoạch – Tài chính trường Đại học Tài chính – Marketing đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-KHTC về việc xét chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án cải tạo cơ sở 2/4 Trần Xuân Soạn.

 Hồ sơ liên quan việc cải tạo thư viện và ký túc xá Trường Đại học Tài chính - Marketing.

 

Theo Kế hoạch này, Trường sẽ xét chọn nhà đầu tư thực hiện gói thầu: Tư vấn lập báo cáo kinh tế- kỹ thuật. Nhiệm vụ của nhà thầu là khái toán tổng mức đầu tư dự án là 14,875 tỷ đồng (sau VAT).

Trong đó: Khối nhà A (thư viện – trị giá 4,375 tỷ đồng) gồm: phân chia lại vách ngăn giữa các phòng để bố trí 12 phòng học và 04 phòng làm việc (1,125 tỷ đồng), trang bị hệ thống máy lạnh (1 tỷ đồng), trang bị bàn, ghế, bảng, bục giảng (2,25 tỷ đồng); Khối nhà B (ký túc xá - trị giá 10,5 tỷ đồng) gồm: phân chia vách ngăn các phòng (50 phòng – 3,75 tỷ đồng), xây khu vệ sinh chung (2 khu x 8 tầng – 3,75 tỷ đồng), trang bị hệ thống máy lạnh (3 tỷ đồng)…

Trước việc dự án chưa được nghiệm thu để đưa vào sử dụng nhưng trường Đại học Tài chính - Marketing đã tiến hành cải tạo khiến dư luận cùng một số giảng viên trường đặt ra nhiều nghi vấn, liệu có dấu hiệu “tiêu cực” ở đây?

Cụ thể, theo tố cáo cho rằng có thể do nhu cầu thực tiễn nên việc điều chỉnh chức năng này không sai nhưng nếu Ban Giám hiệu trường có chủ trương thay đổi thiết kế, điều chỉnh thông số kỹ thuật thì tại sao không thay đổi, điều chỉnh ngay trong quá trình xây dựng?

Tại sao Ban Giám hiệu lại chờ cho công trình hoàn thành rồi sau đó mới đập bỏ, thiết kế, xây dựng lại. Có hàng loạt hạng mục công trình mới 100% bị phá bỏ, gây lãng phí và bức xúc.

Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ, đặt lịch và để lại nội dung làm việc với trường Đại học Tài chính – Marketing. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, đơn vị này đều né tránh, không cung cấp thông tin.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Miệt mài dốc vốn vào Vinaconex, An Quý Hưng có “sập nguồn” vì nhà đầu tư bí ẩn?

Đến thời điểm hiện tại, An Quý Hưng (AQH) đang “ngồi trên đống lửa” khi các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) ra thị trường. Vậy, nếu An Quý Hưng tuột mất số cổ phần này, e rằng thế đứng “vững như bàn thạch” của AQH sẽ bị lung lay.