Vụ 170 tỷ tại Ngân hàng Việt Á: Những khuất tất cần làm rõ?

15/01/2019 10:39

Kinhte&Xahoi Khách hàng chuyển 6 khoản với tổng số tiền là 170 tỷ đồng, thế nhưng đến nay 4 trên 6 khoản đã quá hạn mà phía ngân hàng vẫn chưa chịu chi trả. Sự việc đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Vụ việc khách hàng là ông Triệu Việt Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh trú tại tổ 6 Mai Động, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội làm đơn tố Ngân hàng Việt Á không chịu trả 170 tỷ đồng dù đã đến kỳ hạn khiến dư luận hiện nay cực kỳ quan tâm.

Trao đổi với PV, ông Triệu Việt Cường cho biết, gia đình có 6 khoản tiền gửi có kỳ hạn tại phòng giao dịch Đông Đô - Ngân hàng Việt Á có địa chỉ ở 18T1 Lê Văn Lương TP. Hà Nội đến nay vẫn chưa thể rút ra được. Tài liệu mà ông Cường cung cấp, số tiền 170 tỷ gửi vào Ngân hàng Việt Á được chia làm 6 lần và mỗi lần đều có “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”.

Sổ tiết kiệm có kỳ hạn.

 

Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi.

 

Cụ thể, ngày 30/8/2018, ông Triệu Hùng Cường có gửi 35 tỷ đồng với kỳ hạn 2 tháng tại Ngân hàng Việt Á - Phòng Giao dịch Đông Đô và có ngày đến hạn là 30/10/2018. Tiếp đó, ngày 31/8/2018, bà Triệu Thị Tuyết Trinh gửi 30 tỷ đồng với kỳ hạn 2 tháng và có ngày đến hạn là 31/10/2018.

Cũng trong ngày 31/8/2018, ông Triệu Hùng Cường gửi 30 tỷ đồng với kỳ hạn 2 tháng và có ngày đến hạn là 31/10/2018 . Ngày 8/10/2018, bà Triệu Thị Tuyết Trinh gửi 25 tỷ đồng với kỳ hạn 1 tháng và có ngày đến hạn là 8/11/2018. Ngoài ra, ngày 26/10/2018, bà Triệu Thị Tuyết Trinh gửi 20 tỷ đồng với kỳ hạn 3 tháng và có ngày đến hạn là 26/1/2019. Cùng ngày 26/10, ông Triệu Hùng Cường gửi 30 tỷ đồng với kỳ hạn 3 tháng và có ngày đến hạn là 26/1/2019.

Như vậy, trong số 6 khoản tiền gửi với tổng số tiền là 170 tỷ đồng thì đã có 4 khoản tiền gửi đã quá hạn mà bà Trinh và ông Cường chưa được nhận.

Không những thế, ông Ma Hữu Phan - người được ông Cường và bà Trinh ủy quyền giải quyết vụ việc này cho rằng nhiều điểm cần được làm sáng tỏ. Cụ thể, ông Phan cho rằng, tiền được khách hàng gửi có hợp đồng theo mẫu ngân hàng, có chữ ký và con dấu pháp nhân, hơn nữa, hợp đồng được lập ở ngân hàng chứ không phải ngoài đường hay quán cà phê.

“Sau khi lập hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, Ngân hàng đã đồng thời phát hành sổ tiết kiệm có kỳ hạn cho khách hàng tuy nhiên cán bộ ngân hàng lại không giao sổ tiết kiệm cho khách hàng và chỉ giao “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”. Chúng tôi yêu cầu được trích xuất camera giám sát tại Phòng giao dịch Đông Đô để xác nhận xem cán bộ Ngân hàng có giao sổ cho chúng tôi không. Bên cạnh đó, hồ sơ “Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi” và giấy ủy nhiệm chi chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi thanh toán là đều giả mạo chữ ký”, ông Phan cho hay.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía ông Triệu Việt Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh đã làm đơn gửi Ngân hàng Việt Á mong được làm rõ, thế nhưng đến nay giữa 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói.

“Chúng tôi mong sự việc sớm kết thúc chứ không muốn kéo dài. Chúng tôi có đề nghị Ngân hàng Việt Á đi giám định chữ ký và trích xuất camera. Nếu chúng tôi sai, chúng tôi xin bồi thường tổn thất của Ngân hàng Việt Á, nếu ngân hàng Việt Á sai thì xin trả lại tiền cho chúng tôi, thế nhưng đến nay phía Ngân hàng Việt Á vẫn không hề có động thái nào”, ông Phan cho biết thêm.

Bên cạnh đó, phía Ngân hàng Việt Á ngày 4/1 vừa qua đã có thông cáo báo chí lại cho rằng, vào giữa năm 2018, nhóm khách hàng trong đó có ông Đặng Nghĩa Toàn, Nguyễn Thị Hà Thành và ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh (ông Cường và bà Trinh là hai anh em ruột) bắt đầu giao dịch tại VietABank, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những người này thực hiện ngay việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ) và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên.

Có thể thấy, trong hồ sơ "Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi” và giấy ủy nhiệm chi; giấy xác nhận sử dụng vốn vay; giấy đề nghị phong tỏa; nhập kho kiêm biên bản giao nhận tài sản bảo đảm đều ghi là ngày 31/10/2018. Thế nhưng, không hiểu sao trong thông cáo báo chí phía Ngân hàng Việt Á lại ghi: “Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những người này thực hiện ngay việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ”. Như vậy, ở đây đã có sự chênh lệch về thời gian không đúng như thông cáo báo chí mà phía Ngân hàng Việt Á đã thông tin.

Ngoài ra, Ngày 24/12/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an Tp.Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội" có liên quan đến vụ việc tại VietABank.

Ngày 8/1 vừa qua, phía Ngân hàng Việt Á đã có văn bản mời ông Cường và bà Trinh lên để làm việc. Tuy nhiên, tại buổi làm việc đó, giữa 2 bên vẫn chưa được giải quyết. Như vậy, đến nay dù vụ việc đã kéo dài hơn 1 tháng và qua nhiều lần gặp gỡ nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hi vọng rằng, phía Ngân hàng Việt Á và khách hàng sớm tìm được tiếng nói, giải quyết dứt điểm để tránh khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng cho hoạt động của đôi bên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với Ngân hàng Việt Á và các cơ quan chức năng để tìm hiểu thông tin về vụ việc này.

 

Theo GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Miệt mài dốc vốn vào Vinaconex, An Quý Hưng có “sập nguồn” vì nhà đầu tư bí ẩn?

Đến thời điểm hiện tại, An Quý Hưng (AQH) đang “ngồi trên đống lửa” khi các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) ra thị trường. Vậy, nếu An Quý Hưng tuột mất số cổ phần này, e rằng thế đứng “vững như bàn thạch” của AQH sẽ bị lung lay.