Ảnh minh họa (Nguồn: http://sagri.com.vn)
HNX vừa thông báo đưa gần 2,9 triệu cổ phiếu SFN của CTCP Dệt lưới Sài Gòn vào diện kiểm soát kể từ ngày 7/3/2023.
Nguyên nhân được HNX đưa ra là do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Theo thông báo, SFN đã chậm nộp công bố thông tin thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực công ty phải gửi HNX và công bố thông tin kèm theo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 6/3, cổ phiếu SFN đóng phiên ở mốc 20.100 đồng/cổ phiếu với thanh khoản thấp.
Theo tìm hiểu, SFN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, nhập khẩu thiết bị vật tư nông nghiệp tổng hợp… Doanh nghiệp này lên sàn từ giữa tháng 6/2009.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, CTCP Dệt lưới Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 170 tỷ đồng, tăng 40 tỷ so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch năm.
Về lợi nhuận sau thuế năm 2022 tại công ty này đạt gần 8,5 tỷ đồng, giảm 55% so với kết quả thực hiện của năm 2021.
Từng bị xử phạt và truy thu gần 1 tỷ đồng về thuế vào cuối năm 2022
Trước đó, trong năm 2022, CTCP Dệt lưới Sài Gòn đã bị Cục thuế TP HCM xử phạt do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và giảm số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ trong kỳ tính thuế.
SFN bị phạt tiền gần 145 triệu đồng, đồng thời truy thu 637,3 triệu tiền thuế và tiền chậm nộp thuế 162,4 triệu đồng. SFN cũng cần điều chỉnh giảm khấu trừ gần 245 triệu đồng vào hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế kể từ khi nhận quyết định.
Tổng mức phạt và truy thu đối với CTCP Dệt lưới Sài Gòn là gần 935 triệu đồng. Cũng trong năm 2022, SFN từng nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính do xả thải ra môi trường.
Cụ thể, vào ngày 26/7, công ty đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 - 10 lần so với quy định. Tổng số tiền mà doanh nghiệp CTCP Dệt may Sài Gòn phải chịu phạt là 315 triệu đồng cùng với quy định yêu cầu công ty rà soát, cải tạo lại công trình xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cũng như nộp phí thanh tra, kiểm tra, đo lường phát sinh.
Lê Hải - Pháp luật Plus