Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 ở Quảng trường Thời đại, New York, ngày 20/12/2021. Ảnh: AP
Robert Murphy, Giám đốc điều hành của Viện Y tế Toàn cầu Havey tại Trường Y Feinberg của Đại học Northwestern, Mỹ nói với CNN, "Nó (tình trạng nhiễm Omicron) bùng phát như cháy rừng. Và nó lan rộng, từ cả những người được tiêm chủng, tiêm tăng cường và cả những người chống lại vaccine. Bạn sẽ thật điên rồ nếu cố gắng để bị lây nhiễm thứ này. Nó giống như chơi với thuốc nổ".
Theo Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, nói với CNN. "Mọi người đang nói về Omicron như thể nó là một cơn cảm lạnh. Nó không phải là một cơn cảm lạnh tồi tệ. Đó là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng", cho dù "đúng là nếu ai nhiễm Omicron chứ không phải Delta, sẽ ít có khả năng phải nhập viện hơn, ít có khả năng phải đến ICU hơn, ít có khả năng phải thở máy hơn và ít có khả năng tử vong hơn - và đó là đúng với mọi lứa tuổi”.
"Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể là một căn bệnh nghiêm trọng", ông nói thêm. "Nó chỉ là ít nghiêm trọng hơn. Cho dù bạn chắc chắn không có phần trăm khả năng tử vong thì cũng không bao giờ nên cố tình nhiễm nó", ông Paul Offit khuyên.
Trong khi gần như cả thế giới đã dành hai năm qua để cố gắng tránh nhiễm COVID-19, tờ Times đưa tin rằng một số bậc cha mẹ ở Mỹ đang đưa con cái của họ đến "bữa tiệc COVID-19", cố tình để chúng lây nhiễm với ý nghĩ chúng sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên trên lý thuyết.
Trong một video trên mạng xã hội, một phụ nữ cố tình nhiễm COVID-19 bằng cách dùng chung một ly nước cam với con gái đang dương tính với virus corona. Trong một video khác, một cô dâu đang cố tình bị lây bệnh bằng cách ôm hôn nhiều người và đổi đồ uống tại một hộp đêm trong suốt 15 phút.
Theo nhiều video TikTok và các bài đăng khác, logic đằng sau xu hướng này là nhiễm virus và "tăng tốc quá trình".
Những người đã nhiễm Omicron cũng có thể bị COVID-19 kéo dài. Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan được công bố vào tháng 11, ước tính có khoảng 100 triệu người trên thế giới đã hoặc đã mắc phải COVID-19 kéo dài.
Laolu Fayanju, Giám đốc y tế khu vực của Oak Street Health ở Ohio, nói với tạp chí Time: “Mọi người không biết liệu họ sẽ trở thành một trong số những người có khả năng chịu đựng căn bệnh với ít hậu quả lâu dài hay không. Nhưng không có lý do gì để cố tình chấp nhận rủi ro đó". Chưa kể, cố tình nhiễm Omicron cũng có thể gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia, ông Murphy cảnh báo.
Diệu An - Pháp luật Plus