Coi đô thị hóa là động lực phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng

23/12/2023 10:46

Kinhte&Xahoi Ngày 22/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch vùng ĐBSH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022. Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù; các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; trên cơ sở đó xây dựng các phương án phát triển, tổ chức không gian các ngành có lợi thế, đồng thời xây dựng các giải pháp, nguồn lực thực hiện.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 phát triển vùng ĐBSH nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu phát triển vùng ĐBSH tiếp tục đi đầu trong cả nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Nguồn ảnh: Môi trường và cuộc sống).

Tại phiên họp, các đại biểu phản biện đã đóng góp nhiều ý kiến về tiêu chí phân chia thành các tiểu vùng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tập trung cho các ngành kinh tế lợi thế là nông, lâm nghiệp, dịch vụ môi trường, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái; cơ chế quản trị, điều phối, huy động nguồn lực thực hiện các dự án, công trình có tính đột phá, điểm nhấn; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường kinh tế biên mậu; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên giới…

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc phải cụ thể hoá các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành quốc gia; đồng thời nhìn nhận, đánh giá lại thực tiễn, hiện trạng, tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước đây.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cần nhận diện, đánh giá đầy đủ tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú; giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo; vai trò, vị trí chiến lược về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn; cửa ngõ của đất nước kết nối với các vùng kinh tế năng động mang tính khu vực và toàn cầu… Tuy nhiên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng có những “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, hệ sinh thái tự nhiên dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

“Tư duy phát triển của vùng là bền vững, không nóng vội, tính toán kỹ lưỡng lợi ích tổng thể, gìn giữ, bảo tồn được những giá trị cảnh quan, khí hậu, văn hoá, lịch sử…”, Phó Thủ tướng nói.

Phân tích về những vấn đề đặt ra đối với hạ tầng giao thông ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng cho rằng phải nghiên cứu rất kỹ tính khả thi, hiệu quả kinh tế từ các phương thức giao thông khác nhau (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, hàng không) trong việc kết nối, hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, chuỗi giá trị nội vùng và liên vùng.

Trong phát triển khu vực nông thôn, Phó Thủ tướng yêu cầu sắp xếp thành các khu dân cư tập trung, được đầu tư đồng bộ, bài bản hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội thuận lợi cho người dân sinh sống, sản xuất, được chăm lo đầy đủ về y tế, giáo dục, để bảo đảm an ninh, an toàn vùng biên giới.

Trao đổi về các ngành kinh tế lợi thế, Phó Thủ tướng gợi mở hướng thay đổi tư duy khai thác thuỷ điện bền vững, bảo vệ nguồn nước, kết hợp với điện mặt trời với thuỷ điện tích năng; phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng khai thác tổng hợp, bền vững rừng, khu bảo tồn gắn với mô hình du lịch thiên nhiên, cộng đồng, văn hoá, lịch sử, nông nghiệp với sự hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất…; lựa chọn những ngành khai khoáng chế biến sâu, sạch; chuẩn cho sự dịch chuyển các khu công nghiệp từ vùng đồng bằng…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến về thúc đẩy giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực về dài hạn cần theo tư duy phân bố dân cư, trước mắt cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục, định hướng nghề nghiệp; đưa ra tiêu chí khoa học về địa lý tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội khi xác định các tiểu vùng, hành lang kinh tế; chủ trương mở thêm đường ra biển… trên tinh thần “đã chắc chắn thì đưa vào Quy hoạch, xác định lộ trình, lựa chọn dự án ưu tiên thực hiện, đồng thời tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới đặt ra”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến phản biện, tiếp tục nghiên cứu, điều tra để công tác lập quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với thực tiễn, phát triển theo hướng bền vững; trong đó cần bổ sung một số nội dung như: coi đô thị hóa là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của vùng; giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử; phát triển vùng theo hướng hiện đại nhưng vẫn mang giá trị văn hóa, nét đẹp cổ xưa...

Dương Thắng - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gôc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/coi-do-thi-hoa-la-dong-luc-phat-trien-kinh-te-cua-vung-dong-bang-song-hong-d202436.html