Còn 2.277 điều kiện kinh doanh cần cắt giảm

17/10/2018 09:20

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết tại cuộc họp ngày 16/10.

Ngày 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh...

Mới cắt được 1.517 điều kiện

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến yêu cầu cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh sắp xếp bộ máy, cải cách thủ tục, tránh bệnh hình thức.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10, Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu việc cải cách phải thực chất.

“Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính là vấn đề rất quan trọng. Thủ tướng không phiên họp nào không nhắc, với rất nhiều văn bản đôn đốc, với yêu cầu đi vào hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, coi đây là dư địa rất quan trọng cho tăng trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Chủ nhiệm VPCP, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, trước khi đi công tác châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Tổ công tác đôn đốc, kiểm tra công tác này.

Bộ trưởng Dũng nêu rõ, khác với các lần khác, ở lần kiểm tra này, Tổ công tác có mời nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia đến cùng họp để đóng góp ý kiến, đối chất xem việc cắt giảm có thực chất không hay là “gom 2 thành 1” hoặc “cắt cái nọ mọc cái kia”. 

Cho biết đến nay còn tổng cộng còn 2.277 điều kiện cần tiếp tục cắt giảm và so với mốc thời gian Thủ tướng giao phải hoàn thành (15/8/2018) thì đã quá 2 tháng 2 ngày, Bộ  trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần cần quyết liệt thực hiện việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. 

“Tại buổi làm việc, các bộ cần báo cáo công khai tiến độ thực hiện nhiệm vụ, nói rõ bao giờ làm được, cắt hay không cắt, tại sao không giảm, vướng chỗ nào. Tinh thần là cùng ngồi lại để tìm giải pháp tốt nhất tháo gỡ các vướng mắc, theo đúng tinh thần nói đi đôi với làm, chuyển mạnh sang phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho biết doanh nghiệp còn nghi ngờ kết  quả cải cách thủ tục hành chính.


Doanh nghiệp còn nghi ngờ

Phát biểu tại cuộc họp, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho hay, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ nhưng họ cũng đang rất nghi ngờ. 

“Nghi ngờ ở đây là liệu Chính phủ và bộ, ngành có làm thật hay không. Dư luận cũng băn khoăn liệu bộ ngành có chạy theo thành tích”, ông Cung nói và cho rằng đây là lo lắng hợp lý của doanh nghiệp.

“Nhiệm vụ của chúng ta ở đây là phải chứng minh được mình làm thực chất”, ông nói thêm.

Cho rằng số điều kiện đơn giản hóa hay cắt giảm chưa tạo ra chuyển biến nhiều, chưa giúp doanh nghiệp hưởng lợi trong môi trường kinh doanh, ông Cung kiến nghị cần phải có những báo cáo, đánh giá kỹ hơn về tính hiệu quả của các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, cắt giảm.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.

Nở rộ cho vay online biến tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen.