Đại biểu Nguyễn Hữu Thông
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cũng thời điểm này của năm trước, Quốc hội khi thảo luận về kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát hiệu quả, cộng với nhiều khó khăn thách thức khác đã đặt ra nhiều vấn đề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội 9 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực, ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng 8,5%.
Tuy vậy, đại biểu lưu ý một bộ phận người dân ngay trong đại dịch đã khó khăn thì nay vẫn chưa thoát nghèo. Giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, thị trường bất động sản còn rủi ro, thị trường tài chính, trái phiếu còn nhiều điều phải bàn; Số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc ngày càng tăng... đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Nhấn mạnh yếu tố con người là then chốt, quyết định thành bại, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị quan tâm giải quyết tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo đại biểu là chưa có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật khi “cùng một vấn đề áp dụng luật này thì đúng nhưng thanh tra, kiểm toán lại sai; Thời điểm này đúng nhưng lúc khác lại sai”.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhưng hiện vẫn chưa cụ thể hoá được bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ còn “ngại” trong công tác, làm cầm chừng, không dám đột phá.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị thường xuyên rà soát các cơ chế chính sách để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn; Sớm cụ thể hoá chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống.
Đại biểu Tạ Văn Hạ
Giơ biển tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục cũng cho rằng có hiện tượng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân.
“Tuy nhiên, nếu nói vướng mắc chỉ bởi chính sách pháp luật là chưa đủ. Cái chính do con người, công tác tổ chức thực hiện, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Vị đại biểu này cũng cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ông đặt thẳng câu hỏi với nhiều người thì thấy rằng cán bộ năng lực hạn chế đúng là có tình trạng sợ không dám làm. Cán bộ có năng lực nhưng ý thức tinh thần còn hạn chế thì có hiện tượng nghe ngóng, né tránh.
“Luật Đất đai, Luật Đấu thầu có từ năm 2013 nhưng trong suốt quá trình đó không thấy vướng mắc như bây giờ, vậy làm bằng cách nào? Có người nói thẳng trước làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, giờ làm đúng thì có nhiều vấn đề phát sinh. Do đó, bây giờ cầm chừng, hạn chế, không dám làm”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, bởi “Thủ tướng họp ngày, họp đêm chỉ đạo trong khi ở dưới lại như thế nên cần chỉnh càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân”.
Dành phần lớn thời gian đề cập vấn đề cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc khu vực công có xu hướng gia tăng, đại biểu Tô Văn Tám - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây là xu hướng không chỉ ở nước ta mà cả ở nhiều nước nước khi có sự chuyển dịch nhân sự ra ngoài khu vực công.
Một trong những nguyên nhân là tiền lương, thu nhập ở khu vực công thường thấp hơn, chậm phản ứng với tăng thu nhập do ràng buộc pháp lý và việc thực hiện theo quy định luôn có độ trễ. Tuy nhiên, nhiều người xin nghỉ khu vực công không phải chỉ vì thu nhập mà còn vì áp lực công việc quá lớn.
“Chuyển dịch nhân sự ra ngoài khu vực công vừa thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá hiệu quả quản trị của mình”, đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm, đồng thời đề nghị quan tâm đến thu nhập bằng cơ chế lương thích hợp và linh hoạt và sớm cụ thể hoá đầy đủ, kịp thời kết luận của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Hạnh Nguyên - TTTĐ