Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được lấy ý kiến đến cuối tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Ảnh minh hoạ/Internet.
Dự luật có nhiều điểm mới, như đưa ra hai phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội, giảm số năm đóng từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung tăng trợ cấp với người không có lương hưu; thêm chế độ thai sản với người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các địa phương, đơn vị đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.
Mới đây, góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) một số đơn vị đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội”.
Lý do là, thực tế gần đây có tình trạng lợi dụng quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội để lôi kéo người lao động mua bán sổ bảo hiểm xã hội kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp, từ đó rút một lần, hưởng chênh lệch.
Cụ thể, các đối tượng thực hiện thu gom mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều này dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, đã phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố…
Do đó, nhằm ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như rõ ràng trong chính sách, cơ quan Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội một số tỉnh đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung quy định cấm mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội cũng như mượn hồ sơ của người khác. Điều 7 dự luật đưa 8 hành vi nghiêm cấm, song không có hành vi mua bán sổ.
Châu Anh - Pháp luật Plus