Đề xuất nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 cho trẻ em

09/09/2021 07:38

Kinhte&Xahoi Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đề nghị các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước phối hợp để sớm nghiên cứu, sản xuất được vắc xin dành riêng cho trẻ em…

Chiều ngày 8/9 tại TP Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo, trụ sở các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, sở lao động - thương binh và xã hội 20 tỉnh thành đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa.

Tại hội nghị, đồng chí Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, tính hết ngày 31/8/2021, nước ta đang có gần 40.000 trẻ em là trường hợp F0 và F1. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em là F0, F1 cao nhất cả nước với số trẻ đang điều trị là khoảng 2.500/40.000 bệnh nhân đang điều trị (tính đến ngày 1/9).

Theo Bộ Y tế, tính từ ngày 5/7 đến ngày 30/7, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 tại TP Hà Nội là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi.

Đặc biệt, trong đợt dịch lần 4 này tại TP Hồ Chí Minh, có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ...

Cũng tại hội nghị, Cụ trưởng Cục Trẻ em đề xuất Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ em F0, F1.

Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ em của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung; sớm nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho trẻ em...

Theo ông Trần Công Nguyên - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng, với 1.000 F0, F1 trẻ em được thu dung tại các cơ sở cách ly tập trung nên TP Đà Nẵng đã dành chính sách ưu tiên như phần cơm đặc biệt cho trẻ em, nhu yếu phẩm cho gia đình có trẻ nhỏ…

Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng bày tỏ mong muốn sớm có vắc xin COVID-19 cho trẻ em.

Sau khi tiếp nhận kiến nghị của ông Trần Công Nguyên, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà đã đề nghị các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có sự phối hợp để sớm có giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và nghiên cứu, sản xuất vắc xin dành riêng cho trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà  phát biểu tại hội nghị.

Theo Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc xin cho trẻ em đang được tiếp tục nghiên cứu. Tháng 7/2021, nhóm cố vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng (SAGE) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer-BioNTech phù hợp để sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020 – 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 diễn ra vào ngày 28/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cũng đã xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vắc xin cho học sinh.

Theo Thứ trưởng, ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thể sớm trở lại trường học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Việc học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng bằng dạy trực tiếp, đặc biệt là ở nhiều nơi còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của cả giáo viên và học sinh.

Trao đổi với phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Quốc Hưng -  Quyền Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội bày tỏ: “Học sinh, sinh viên không thể cứ học online (trực tuyến) từ năm này qua năm khác được, việc ngăn chặn, đẩy lùi hay ít nhất là tạo lớp rào chắn bảo vệ từ vắc xin là rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc gì cũng cần phải có trình tự nhất định, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn xã hội có thể khó mà thực hiện được ngay nhưng Chính phủ có thể phân tầng theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên cho các em học sinh – thế hệ tương lai của đất nước”.

Cũng theo PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng, bên cạnh việc ưu tiên tiêm vắc xin cho các em học sinh thì cũng cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của những người đang công tác, làm việc tại trường học để xét duyệt tiêm vắc xin. Điều này để chắc chắn trường học sẽ giảm thiểu tối đa trở thành ổ dịch và những người khi đến trường học để làm việc sẽ không trở thành nguồn lây bệnh dịch cho các em học sinh, ông Hưng nhấn mạnh.

 Gia Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/de-xuat-nghien-cuu-san-xuat-vac-xin-covid-19-cho-tre-em-d165796.html