Phối cảnh quy hoạch Trường Quốc tế tại cơ sở Hòa Lạc
Khoa Quản trị và Kinh doanh, nay là Trường Quản trị và Kinh doanh (VNU-HSB), được thành lập ngày 13/7/1995. Đến nay, VNU-HSB luôn đi tiên phong và đã khẳng định được thương hiệu uy tín của mình về các chương trình thạc sĩ và các khóa đào tạo quản trị điều hành. VNU-HSB hiện trở thành một thương hiệu có uy tín hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo về kinh doanh và quản trị liên ngành.
VNU-HSB đang sở hữu bản quyền đối với 5 nhóm chương trình: HSB-MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh); MNS (Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ quản trị an ninh phi truyền thống); MET (Cử nhân Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ); DMS (Tiến sĩ Quản trị và phát triển bền vững); MOTE (Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ quản trị công nghệ và doanh nghiệp).
Khoa Quốc tế, nay là Trường Quốc tế (VNU – IS) được thành lập ngày 24/7/2002. Đến nay, Trường Quốc tế đã phát triển quan hệ hợp tác với gần 40 trường đại học, tổ chức giáo dục, khoa học và công nghệ trên thế giới, tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Malaysia, Đài Loan - Trung Quốc… Trường có quy mô đào tạo trên 4000 người học đến từ trên 12 quốc gia và 5 châu lục; đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên giỏi… Các ngành nghề hợp tác đào tạo trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, kinh doanh, quản trị, tài chính, quản lý, kỹ thuật công nghệ, khoa học dữ liệu, du lịch, khách sạn…
Trường Quốc tế là đơn vị được ĐHQGHN giao triển khai Chương trình Thu hút học giả quốc tế (bao gồm cả học giả là người Việt Nam ở nước ngoài) về dẫn dắt, chủ trì các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trường đã thành lập 11 nhóm nghiên cứu gồm các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, quản lý, tài chính, marketing, khoa học dữ liệu, quang tử, AI, IoTs, học máy, y sinh…
Cho đến nay, ĐHQGHN có 8 trường đại học thành viên (do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập), 2 trường (do Giám đốc ĐHQGHN ký quyết định thành lập), 2 khoa trực thuộc, 7 viện nghiên cứu, 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu, 16 đơn vị phục vụ.
Việc thành lập Trường trên cơ sở điều chỉnh, sắp xếp phát triển các Khoa trực thuộc sẽ giúp ĐHQGHN sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực từ lợi thế của mô hình đại học cũng như tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực về nhân sự, tài chính từ bên ngoài; tiếp tục hoàn thiện mô hình đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên nền tảng phát triển các hạt nhân có năng lực thực hiện tốt các chính sách thí điểm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, liên kết và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có khả năng tự chủ về tài chính.
Đình Trung - TTTĐ